|
Dây chuyền 4 xi măng Thành Thắng là dự án xi măng duy nhất được đưa vào vận hành trong năm 2021.
|
Theo Báo cáo ngành Xi măng 2021 được xuất bản hồi đầu năm nay, nếu năm 2020, ngành xi măng có 3 dây chuyền xi măng mới được đưa vào vận hành thì năm 2021 chỉ có 1 dây chuyền duy nhất là dự án xi măng Thành Thắng 4 tại Hà Nam.
Dây chuyền số 4 xi măng Thành Thắng có tổng mức đầu tư 4.951 tỷ đồng, chuyên sản xuất xi măng chịu mặn bền sunfat với năng suất lò nung 6.000 tấn clinker/ngày, tương đương 2,3 triệu tấn xi măng/năm.
Trước đó, năm 2020, ngành xi măng có 3 dây chuyền xi măng mới đi vào hoạt động, bao gồm: Dự án xi măng Thành Thắng 3, xi măng Tân Thắng và Xi măng Long Sơn.
Như vậy, đến cuối năm 2021, Việt Nam có tổng cộng 87 dây chuyền xi măng lò quay, quy mô công suất khoảng 110 triệu tấn/năm, nhưng có thể sản xuất tăng thêm 20% nhờ điều chỉnh tỷ lệ phụ gia. Việt Nam là nước có sản lượng xi măng vào loại lớn thứ 3 thế giới, chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ.
Năm 2021, ngành xi măng đã lập kỷ lục về tiêu thụ với 108,4 triệu tấn, tăng 8,1% so với 2020, trong đó tiêu thụ nội địa 62,7 triệu tấn, tăng 0,9%, và chiếm 57,8% tỷ trọng toàn ngành, xuất khẩu gần 46 triệu tấn, tăng 20,1% và chiếm 42,15% tỷ trọng toàn ngành.
Thị trường xi măng trong nước tiếp tục cạnh tranh khốc liệt do cung vượt cầu cao, trong khi tiêu thụ nội địa – kênh bán hàng lớn nhất lại tăng chậm trong những năm gần đây. Đây là một thách thức lớn đối với các nhà sản xuất, trong khi khả năng tiêu thụ của thị trường nội địa còn hạn chế (dưới 65 triệu tấn).
Trước những khó khăn tại thị trường trong nước, các doanh nghiệp sản xuất phải đẩy mạnh việc xuất khẩu xi măng ra nước ngoài để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hơn 20% trong năm qua cho thấy thị trường xuất khẩu xi măng vẫn đang tăng trưởng tốt, không bị ảnh hưởng nhiều của dịch Covid-19.
Năm 2022, nguồn cung xi măng tiếp tục duy trì ở mức rất cao, trong khi nhu cầu xi măng trong nước dự kiến từ 63 – 64 triệu tấn, do đó, xuất khẩu tiếp tục là kênh tiêu thụ quan trọng được các doanh nghiệp chú trọng khai thác.
Theo dự kiến, toàn ngành sẽ có thêm 2 dây chuyền mới đi vào hoạt động, gồm: Dự án xi măng Xuân Thành 3 (công suất 12.500 tấn clinker/ngày) tương đương 4,5 triệu tấn xi măng/năm, Dự án xi măng Long Thành (công suất 6.000 tấn clinker/ngày),tương đương 2,3 triệu tấn xi măng/năm.
Ngoài ra, còn 1 dự án nữa là Dự án xi măng Đại Dương 1 tại Khu Kinh tế Nghi Sơn do Công ty CP Xi măng Đại Dương làm chủ đầu tư, công suất hơn 2 triệu tấn xi măng/năm. Tổng công suất của 3 dây chuyền này là 8,8 triệu tấn xi măng/năm.