|
Vận dụng công nghệ mới, nhân viên Novaland đã “kéo” những dự án ở xa tới ngay trước mắt khách hàng. Ảnh Lê Toàn
|
Lạc quan
Thông tin về biến chủng mới Omicron của virus SARS-CoV-2 lan sang Việt Nam từ hành khách nhập cảnh từ Anh quốc (ngày 28/12) khiến không ít thành viên trên thị trường địa ốc “giật mình”. Dù vẫn còn những lo ngại nhất định, nhưng năm 2022 vẫn được nhiều thành viên trên thị trường đánh giá có tiềm năng khôi phục, bởi tâm lý của người Việt Nam vẫn mong muốn sở hữu nhà ở, đất ở, do đó, nguồn cầu về phân khúc này vẫn còn rất lớn.
Năm 2021 với Công ty cổ phần BCG Land vẫn được xem là một năm “khá ổn” khi lợi nhuận của năm ước đạt gần 1.000 tỷ đồng, vượt kế hoạch đề ra. Ông Võ Mạnh Tín, Tổng giám đốc BCG Land cho biết, trong năm qua, doanh nghiệp đã nỗ lực hoàn tất xây dựng và bàn giao các biệt thự thuộc Dự án King Crown Village cho khách hàng đúng tiến độ. Các dự án khác như Malibu Hội An, Hội An D’or, Casa Marina Premium… vẫn đang đáp ứng tiến độ, dù có thời gian phải tạm ngừng thi công do giãn cách xã hội.
Với những kết quả đạt được, năm 2022, BCG Land sẽ tiếp tục tìm kiếm, M&A để tăng quỹ đất và phát triển những dự án mới, với kỳ vọng kết quả kinh doanh sẽ ấn tượng hơn năm 2021, khi doanh thu dự kiến khoảng 4.800 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế dự kiến khoảng 1.200 tỷ đồng.
Còn với Công ty cổ phần Tập đoàn C.E.O (C.E.O Group), Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh, nhất là doanh nghiệp chú trọng phát triển bất động sản nghỉ dưỡng như C.E.O Group, nhưng tín hiệu khả quan trên thị trường đã dần xuất hiện từ tháng 10/2021 khi một số địa phương như Phú Quốc, Quảng Ninh thí điểm đón khách trở lại.
Tính tới hết quý III/2021, C.E.O Group mới chỉ hoàn thành 25% kế hoạch doanh thu năm 2021 và ghi nhận lợi nhuận âm, tuy nhiên, đại diện doanh nghiệp cho rằng, sau thời gian dài giãn cách, nhu cầu của xã hội về đầu tư, du lịch rất lớn. Đặc biệt, việc Chính phủ cho phép thực hiện thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến một số địa phương được coi là “chìa khóa” để ngành du lịch địa phương nói chung, hoạt động của các khách sạn, resort do C.E.O Group phát triển nói riêng sẽ có cơ hội tốt để tăng trưởng.
Không chỉ của BCG Land hay C.E.O Group có những kế hoạch đầy lạc quan, mà nhiều thành viên trên thị trường địa ốc khi chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư còn cho rằng, thị trường bất động sản trong năm 2022 vẫn được kỳ vọng tiếp tục là “vùng trũng” hút dòng tiền khi thị trường nhận được nhiều tín hiệu và xung lực tích cực cho sự phục hồi và tăng trưởng.
Theo chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, bên cạnh nguồn vốn đổ vào bất động sản, nhất là tổng vốn FDI đăng ký mới đạt gần 2 tỷ USD trong 11 tháng năm 2021, thì bất động sản trong năm 2022 tiếp tục được dự báo sẽ có nhiều khởi sắc. Trong số đó, yếu tố quan trọng là môi trường pháp lý của hoạt động bất động sản đã có những tín hiệu tích cực. Đơn cử, trong năm 2022, Quốc hội sẽ cho ý kiến về sửa đổi Luật Đất đai và tiếp theo đó là Luật Bất động sản…
Đặc biệt, trong chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội 2 năm tới, Chính phủ và Quốc hội đang họp bàn để thống nhất có một gói khoảng 60.000 – 65.000 tỷ đồng để phát triển nhà ở. Theo ông Lực, đây sẽ là một cú hích rất tốt với mức lãi suất tương đối ưu đãi, có thể thấp hơn thị trường hiện nay khoảng 3 – 4%.
Yếu tố khả quan nữa là, Việt Nam đã lọt vào Top đầu các quốc gia phủ sóng vắc-xin phòng, chống Covid-19, đồng thời, cũng có những điều chỉnh chiến lược chính sách một cách hợp lý trong phòng, chống Covid-19… Vì thế, khả năng phục hồi tăng trưởng là hoàn toàn có thể.
Nhận diện phân khúc dẫn dắt thị trường
Cho rằng, những dư chấn sau đợt giãn cách xã hội kéo dài trong năm 2021 khiến thị trường bị ngừng trệ, nhưng ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM vẫn có hy vọng “rã đông” bất động sản từ nhân tố nhà giá rẻ.
Ông Châu phân tích, sau đại dịch, nhà ở giá rẻ và vừa túi tiền, nhà ở cho công nhân, các đối tượng có thu nhập thấp sẽ trở thành tâm điểm. Đây cũng là phân khúc có nhu cầu lớn nhất thị trường hiện nay, nhưng đang thiếu hụt sản phẩm.
Trong những năm tới, TP.HCM định hướng xây 1 triệu căn nhà, riêng năm 2021, Sở Xây dựng đặt mục tiêu 300.000 căn nhà. Bên cạnh đó, chính sách đẩy mạnh xây lại nhà chung cư cũ, giải quyết 20.000 nhà ở trên kênh rạch, đề nghị cho doanh nghiệp làm nhà trọ, phòng trọ cũng là nền tảng cho quá trình phục hồi của thị trường bất động sản.
Trong khi đó, ông David Jackson, Tổng giám đốc Colliers Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh đại dịch diễn biến phức tạp, bất động sản công nghiệp năm 2021 vẫn duy trì sự sôi động và là phân khúc sáng nhất so với các phân khúc khác trên thị trường bất động sản. Trong năm 2022, nhiều khả năng phân khúc này sẽ tiếp tục tỏa sáng.
Sự chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc cũng như một loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) được ký kết sẽ kích thích dòng vốn đầu tư đổ vào Việt Nam và đó là yếu tố làm gia tăng nhu cầu về đất công nghiệp trên phạm vi cả nước. Để đón đầu xu hướng này, bất chấp dịch bệnh, các khu công nghiệp mới đã được quy hoạch hoặc xây dựng trên khắp các tỉnh thành Bắc, Trung, Nam để đáp ứng nhu cầu này dẫn đến thị trường bất động sản công nghiệp bùng nổ trong thời gian qua.
Phân khúc bất động sản công nghiệp và logistics cũng sẽ được chào đón, bởi sự tăng trưởng về kho hàng phân phối và dịch vụ thương mại điện tử nhằm phục vụ thị trường trong nước, do đặc điểm địa lý của Việt Nam với các thành phố trọng điểm đều cần sự phân phối này.
“Các lĩnh vực có sự tăng trưởng khác có thể đến từ trung tâm dữ liệu (data centre), khi mà Internet đang ngày càng phát triển, đòi hỏ
i phải có một nguồn lớn để lưu trữ dữ liệu. Như vậy, có thể thấy rằng lĩnh vực data centre sẽ phát triển. Đồng thời, kho lạnh cũng có mối liên kết với thương mại điện tử. Các nhà bán hàng trên các trang thương mại điện tử phải tìm cách lưu trữ hàng hóa và điều này dẫn đến việc gia tăng nhu cầu sử dụng kho lạnh”, ông David Jackson nói.
Đối với phân khúc đầu tư nhà ở và nghỉ dưỡng, theo ông David Jackson, hiện nay, theo xu hướng thế giới, những người mua nhà đang tìm kiếm bất động sản ở khu vực ngoại ô thành phố. Họ di chuyển đến vùng nông thôn, tìm kiếm các không gian mở và tận hưởng không khí ngoài trời. Việt Nam cũng sẽ không nằm ngoài xu thế này, khi thực tế chúng ta có những thị trường thu hút nằm ở Bảo Lộc, Đà Lạt và Hồ Tràm… Từ TP.HCM, có thể dễ dàng lái xe đến các địa điểm này và người mua nhà sẽ tìm kiếm ngôi nhà thứ hai của họ ở nơi đây, đáp ứng nhu cầu xa rời thành phố và có không gian mở không khác gì so với xu hướng trên thế giới và điều này được kỳ vọng sẽ tiếp tục phát triển.
Nhận định thêm về thị trường sắp tới, ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam đánh giá, năm 2022, thị trường bất động sản được kỳ vọng sẽ bùng nổ, khi nhiều dự án mới được đưa ra thị trường và nhu cầu nhà ở của người dân tiếp tục tăng. Nhu cầu đối với phân khúc nhà ở vẫn cao là do một bộ phận người dân có tài sản tích lũy dưới dạng vàng, ngoại tệ muốn chuyển hóa sang bất động sản trong bối cảnh lạm phát được dự báo sẽ tăng trong thời gian tới.
Khi lạm phát tăng cao, nhà đầu tư thường có xu hướng dịch chuyển dòng tiền sang những kênh trú ẩn an toàn, trong đó có bất động sản thể hiện qua việc thị trường bất động sản vẫn giữ được sự ổn định, cho dù chịu tác động tiêu cực của dịch bệnh suốt gần 2 năm qua.
Ý KIẾN – NHẬN ĐỊNH
“Năm 2022, thị trường sẽ nhộn nhịp và sôi động trở lại.”
– Ông Võ Mạnh Tín, Tổng giám đốc BCG Land
Năm 2022 cũng chính là thời điểm để các doanh nghiệp bất động sản quay trở lại, giới thiệu những dự án hấp dẫn nhất mà họ đã ấp ủ trong thời gian vừa qua. Do đó, đây sẽ là một năm hứa hẹn thị trường sẽ nhộn nhịp và sôi động trở lại, nhà đầu tư, người mua nhà cũng có nhiều sự lựa chọn. Chính vì điều này, bài toán đặt ra cho các doanh nghiệp là phải tạo được lợi thế cạnh tranh riêng của mình để có thể thu hút được khách hàng của mình.
“Bất động sản vùng ven sẽ hút mạnh dòng tiền.”
– Ông Hà Văn Thiện, Phó tổng giám đốc Trần Anh Group
2021 là một năm đặc biệt, dù kế hoạch đề ra từ đầu năm không đạt được, nhưng kết quả kinh doanh cũng “không đến nỗi nào”. Câu nói “trong cái rủi có cái may” thật đúng với Trần Anh Group, khi trong năm 2021, doanh nghiệp gần như “đóng băng” trong 2 quý đầu năm do dịch tái bùng phát mạnh mẽ, thế nhưng sau giãn cách, sản phẩm nhà phố vùng ven của Trần Anh lại trở thành hàng “hot”, mang lại doanh thu tốt cho Công ty.
Hiện nay, dịch bệnh chưa được xử lý dứt điểm, cho nên nhu cầu tìm kiếm nhà ở có diện tích rộng, không khí trong lành mà không quá xa thành phố chắc chắn sẽ tăng lên mạnh mẽ và trên thực tế, xu hướng này đã định hình khá rõ nét từ cuối năm 2021. Do đó, các dự án nhà phố ở khu vực lân cận TP.HCM như Long An, Đồng Nai, thậm chí xa hơn một chút là Bảo Lộc (Lâm Đồng), Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ hút mạnh dòng tiền.
“ Ba yếu tố thúc đẩy thị trường bất động sản.”
– Bà Nguyễn Hương, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đại Phúc Land
Mặc dù dịch bệnh diễn biến còn khá phức tạp nhưng các doanh nghiệp đã có tâm lý bình tĩnh hơn so với trước đây trong việc ứng phó với dịch bệnh. Tất cả đều có sự quyết tâm và nỗ lực để tăng tốc phát triển trong năm 2022. Đòn bẩy cho thị trường sẽ nằm ở ba yếu tố quan trọng:
Các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội đã bị chậm lại trong năm 2021 khá nhiều. Trong 2022 chúng ta phải kích hoạt, tăng tốc các mục tiêu. Đó chính là trợ lực cho thị trường bất động sản.
Yếu tố thứ hai là việc tháo gỡ các nút thắt pháp lý, chuyển đổi, điều chỉnh các bộ luật, quy định liên quan đến bất động sản.
Cuối cùng, việc kiểm soát dịch bệnh cũng là một trong các yếu tố góp phần vào sự phát triển ổn định của bất động sản. Nếu các giải pháp phòng chống dịch bệnh mang tính chủ động hơn, việc đóng mở giãn cách xã hội không bị lặp lại như 2021 thì lộ trình, kế hoạch phát triển các dự án sẽ thuận lợi hơn, tâm lý nhà đầu tư cũng ổn định hơn khi tham gia thị trường.