Trung Quốc21 năm sau khi về hưu, Vi Tư Hạo đã dành gần như toàn bộ tài sản của mình, đồng thời đi nhặt rác để kiếm thêm tiền giúp đỡ học sinh nghèo.
Ông Vi Tư Hạo sinh năm 1938 ở thành phố Đông Dương, tỉnh Chiết Giang vốn là một giáo viên cấp 2. Trong hàng chục năm dạy học, gặp nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn phải nghỉ học, ông rất trăn trở và quyết định trích tiền lương giúp một số học sinh nghèo trong trường.
Năm 1999, trước khi nghỉ hưu, ông gặp hiệu trưởng đề nghị thành lập một quỹ học bổng giúp đỡ học sinh có thành tích tốt nhưng không thể đến trường. Vị hiệu trưởng không tin ông có tiền giúp đỡ bọn trẻ nên đã từ chối.
Khi về hưu, dù mức lương 5.600 tệ (20 triệu đồng) đủ sống thoải mái nhưng Vi Tư Hạo vẫn quyết định đi nhặt rác. Việc làm này khiến ba cô con gái cũng như người thân rất bất ngờ. Họ xì xào, chê trách con cái bất hiếu nên bố mới phải làm việc cực nhọc khi đã cao tuổi. Con cái đề nghị đón ông Vi về sống cùng để tiện chăm sóc, nhưng ông kiên quyết từ chối và tiếp tục sống một mình trong căn nhà cũ.
Hàng ngày, ông đi nhặt rác quanh thành phố và những khu vực lân cận. Nhiều lần các con đề nghị sửa nhà nhưng Vi Tư Hạo không đồng ý, yêu cầu họ đừng lãng phí vì căn nhà vẫn đủ tốt.
Năm 2014, một phóng viên bắt gặp Vi Tư Hạo đọc sách tại thư viện Hàng Châu. Người này miêu tả, gặp ông già ngoài 60 tuổi, sau lưng vác một túi đồ lỉnh kỉnh chai nhựa, giấy vụn bước vào thư viện. Trước khi mượn sách, ông Vi cất đồ đạc gọn gàng, đi đến bồn nước rửa tay sạch sẽ rồi mới cầm sách. “Không thể ngờ, một người đàn ông nhặt rác lại nâng niu và trân trọng sách như vậy”, bài báo viết. Vi Tư Hạo nhanh chóng nổi tiếng trên mạng xã hội Trung Quốc.
Dù vậy, khi đó ai cũng nghĩ Vi Tư Hạo chỉ là một người nhặt rác yêu sách. Nhiều bậc cha mẹ lấy bức ảnh ông đọc sách trong thư viện Hàng Châu để truyền cảm hứng cho con cái.
Ngày 13/12/2015, trên đường đi nhặt rác, ông bị một chiếc xe ôtô đâm phải. Sau gần một tháng nằm viện, người đàn ông này qua đời vì vết thương quá nặng.
Sau khi lo xong tang lễ, các con ông về nhà thu dọn đồ đạc và phát hiện một chiếc hộp sắt, trong đó chứa rất nhiều giấy tờ biên nhận và thư từ. Lúc này họ mới hiểu, 21 năm qua, ông Vi đã dùng toàn bộ lương hưu và thu nhập từ việc nhặt rác để trợ cấp, đỡ đầu cho nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn được tiếp tục đến trường.
Theo giấy biên nhận, Vi Tư Hạo đã gửi tiền từ năm 1994 với cái tên Ngụy Đình Triệu. Những năm qua, ông thường giữ liên lạc với những đứa trẻ được mình bảo trợ. Khi bọn trẻ gửi thư tâm sự, ông cũng kiên nhẫn hồi đáp.
Trong chiếc hộp sắt, còn có một biên bản hiến xác cho y học của ông. Vi Tư Hạo mong muốn, sau khi chết, sẽ hiến tặng những gì còn lại của mình cho những người khó khăn.
Khi biết sự thật, ba con gái của ông Vi quyết định kêu gọi bạn bè, người quen biết quyên góp tiền làm tiếp những việc mà người cha đang dang dở. Mọi người đề nghị tạc tượng ông.
Ngày nay, khi đến thư viện Hàng Châu, mọi người sẽ nhìn thấy bức tượng của Vi Tư Hạo ngay từ khi bước chân vào cửa. Dưới bức tượng này có khắc dòng chữ: “Ông đã ra đi nhưng tinh thần của ông vẫn mãi ở lại” của một giáo sư nổi tiếng tại Đại học Chiết Giang.
Vy Trang (Theo sohu)
Tuyên bố miễn trừ trách nhiệm: Thông tin được cung cấp chỉ mang tính chất thông tin chung, thamtusg.com không đưa ra bất kỳ tuyên bố hoặc bảo đảm nào liên quan đến thông tin, bao gồm nhưng không giới hạn bất kỳ sự tuyên bố hoặc bảo đảm về tính thích hợp cho bất kỳ mục đích cụ thể nào của thông tin theo phạm vi cho phép tối đa của pháp luật. Mặc dù đã nỗ lực để đảm bảo rằng thông tin được cung cấp trong bài viết này là chính xác, đáng tin cậy và hoàn chỉnh vào thời điểm đăng tải, nhưng thông tin được cung cấp trong bài viết này không nên được dựa vào để đưa ra bất kỳ quyết định tài chính, đầu tư, bất động sản, giao dịch hoặc pháp lý nào. Thêm vào đó, thông tin không thể thay thế lời khuyên từ một chuyên gia được đào tạo, người mà có thể xem xét, đánh giá các sự kiện và hoàn cảnh cá nhân của bạn, và chúng tôi không chịu bất kỳ trách nhiệm nào nếu bạn sử dụng những thông tin này để đưa ra quyết định.