Chia sẻ của các bạn trẻ về ngành IT
Mỗi mùa hè tới, người người nhà nhà lại chứng kiến biết bao cung bậc cảm xúc không chỉ của những sĩ tử cố gắng vượt vũ môn qua những kỳ thi quan trọng nhất đời người, mà còn của chính những bậc phụ huynh dõi theo bước chân con em mình ngày một tự lập hơn. Tầm quan trọng của chuyện hướng nghiệp, chọn trường, chọn ngành nghề vẫn luôn là câu hỏi canh cánh trong lòng mỗi gia đình và bản thân từng cô cậu sinh viên.
Thời đại 4.0 đã kịp tô điểm đầy rẫy những dấu mốc len lỏi vào khắp cuộc sống quanh ta. Tuy nhiên, thống kê trong năm 2018 cho thấy Việt Nam cần 1 triệu nhân lực công nghệ thông tin (IT) tới năm 2020, tập trung rất nhiều ở các lĩnh vực mũi nhọn “hot trend” như trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo (VR), thương mại điện tử… Điều đó ít nhiều cho thấy tiềm năng của ngành IT vẫn đang ngày một dâng cao.
Vậy trước sức hút mạnh mẽ đó, những tân sinh viên mong muốn theo ngành IT cần chuẩn bị những gì để từng bước hiện thực hoá ước mơ thành công trong tương lai? Hãy cùng lắng nghe những chia sẻ gần gũi từ bạn “không phải dạng vừa” thuộc ngành này nhé!
Để có thể bước chân suôn sẻ vào ngành IT, những người mới theo đuổi nói chung và các tân sinh viên nói riêng cần trau dồi cho mình những kỹ năng gì là quan trọng nhất? So sánh giữa thời điểm mình mới xuất phát và hiện tại, anh đã gặp những khó khăn gì để phát triển được những kỹ năng đó?
Kĩ năng quan trọng nhất vẫn là … kĩ năng tự học, cụ thể hơn là kĩ năng đọc tiếng Anh.
Lý do đơn giản là bởi kiến thức trong ngành này thay đổi rất nhiều và rất nhanh. Các công nghệ/trào lưu mới xuất hiện liên tục. Một công nghệ lập trình sẽ được nâng cấp hoặc cải tiến sau 5,6 năm. Do vậy, tài liệu tiếng Việt rất ít, hầu như không cập nhật kịp. Để theo kịp công nghệ mới, bắt buộc bạn phải biết cách tự học, tự đọc tài liệu bằng tiếng Anh. Nếu không, người làm trong ngành sẽ bị đào thải, hoặc khó kiếm việc làm phù hợp.
Lý do thứ hai là vì Đại Học chỉ dạy những kiến thức nền tảng, còn những kiến thức thực tế thì chỉ có tự học, đi làm các bạn mới có được (vì chúng thay đổi qua nhanh, giáo trình học không cập nhật kịp). Do vậy, hầu như sinh viên ra trường đều cần đào tạo lại cả. Nếu không biết cách tự học, sẽ rất khó để em tìm được việc.
IT bao hàm rất rộng, gồm nhiều phạm trù về các chuyên ngành chi tiết. Theo anh/bạn, hướng đi nào đang có tiềm năng phát triển sâu rộng tại Việt Nam trong tương lai gần?
Ở Việt Nam, các bạn học IT ra trường có thể làm các ngành sau:
– Lập Trình Viên: Là những người xây dựng, lập trình ra phần mềm (như anh đây). Phần mềm là những thứ các em sử dụng hằng ngày như web Facebook. Thường các bạn học ngành Khoa Học Máy Tính hoặc Công Nghệ Phần Mềm có thể làm ngành này. Ngoài ra còn có lập trình nhúng, tức lập trình các chip, vi mạch điện tử trong TV, máy lạnh, xe hơi…
– Bảo Mật: Họ là người nghiên cứu, thiết kế hệ thống để bảo vệ thông tin của người dùng, của công ty, tránh bị rò rỉ thông tin, bảo vệ hệ thống trước hacker tấn công. Đa phần các trường có dạy ngành Bảo Mật Thông Tin/An Toàn Thông Tin, ra trường làm ngành này.
– Business Analyst: Họ là người rành về hệ thống và quy trình, sẽ làm việc với khách hàng, thiết kế hệ thống, viết yêu cầu để cho lập trình viên xây dựng hệ thống. Thông thường, các bạn học ngành Hệ Thống Thông Tin/Công Nghệ Thông tin nói chung cũng làm được ngành này.
Bằng cấp hiện nay có thực sự quan trọng đối với nhà tuyển dụng dành cho những bạn trẻ đam mê IT so với kinh nghiệm? Bản thân anh coi trọng, phấn đấu và sẵn sàng đánh đổi cho điều gì hơn trong 2 thứ trên?
Trong ngành này, kinh nghiệm là cực kì quan trọng. Nếu em đã có 3,4 năm kinh nghiệm, khi đi xin việc không ai hỏi em có bằng gì, học trường nào. Các công ty họ tìm những người có khả năng, làm được việc. Có kinh nghiệm làm việc nghĩa là em từng trải qua các dự án, biết cách giải quyết vấn đề. Bản thân anh có bằng Thạc Sĩ loại Giỏi nhưng trước giờ đi phỏng vấn cũng chả có ai hỏi anh học trường nào, có bằng gì cả.
Tuy nhiên, anh cũng từng có 1 câu nói vui thế này: “Bằng cấp chỉ là tấm vé vào vòng gửi xe thôi. Nhưng không có vé thì không được vào gửi xe đâu.”
Nếu chưa có kinh nghiệm, nhà tuyển dụng chỉ có thể nhìn vào bằng cấp của em để đánh giá. Không cần biết em giỏi thế nào, nếu em chưa từng đi làm, lại… không có bằng ĐH, cơ hội em được vào vòng phỏng vấn để chứng tỏ bản thân mình là rất thấp. Do đó, anh thường khuyên các bạn sinh viên là nếu có điều kiện, hãy đi thực tập từ năm 2, năm 3. Lúc ra trường là đã được 1,2 năm kinh nghiệm hơn bạn bè trang lứa rồi, xin việc cũng dễ hơn. Có khi chẳng cần xin mà nhiều công ty mời gọi luôn ấy chứ.
Cuối cùng xin cảm ơn chia sẻ rất thật lòng của anh
https://quantrimang.com/nghe-chia-se-cua-cac-ban-tre-khong-phai-dang-vua-giai-dap-ve-nganh-it-165052
Tuyên bố miễn trừ trách nhiệm: Thông tin được cung cấp chỉ mang tính chất thông tin chung, thamtusg.com không đưa ra bất kỳ tuyên bố hoặc bảo đảm nào liên quan đến thông tin, bao gồm nhưng không giới hạn bất kỳ sự tuyên bố hoặc bảo đảm về tính thích hợp cho bất kỳ mục đích cụ thể nào của thông tin theo phạm vi cho phép tối đa của pháp luật. Mặc dù đã nỗ lực để đảm bảo rằng thông tin được cung cấp trong bài viết này là chính xác, đáng tin cậy và hoàn chỉnh vào thời điểm đăng tải, nhưng thông tin được cung cấp trong bài viết này không nên được dựa vào để đưa ra bất kỳ quyết định tài chính, đầu tư, bất động sản, giao dịch hoặc pháp lý nào. Thêm vào đó, thông tin không thể thay thế lời khuyên từ một chuyên gia được đào tạo, người mà có thể xem xét, đánh giá các sự kiện và hoàn cảnh cá nhân của bạn, và chúng tôi không chịu bất kỳ trách nhiệm nào nếu bạn sử dụng những thông tin này để đưa ra quyết định.