Trước khi kết hôn cần cân nhắc những gì?
“Khi nào thì bạn sẵn sàng để bước vào cuộc sống hôn nhân?” hầu hết các câu trả lời sẽ được chia thành hai nhóm. Nhóm người lý trí cảm thấy muốn kết hôn khi đã đạt được những thành công nhất định và có tài chính vững chắc. Nhóm còn lại cảm thấy như thế quá thực dụng, hôn nhân chỉ nên được xuất phát từ cảm xúc yêu thương.
1. Chia sẻ kỳ vọng hợp lý với người bạn đời tương lai
Lúc mới yêu, bạn luôn thấy ở người ấy hình ảnh một người bạn đời hoàn hảo với ưu điểm nhiều hơn khuyết điểm. Bạn cũng thường tự nhủ, sau khi kết hôn người ấy nhất định sẽ vì mình mà thay đổi những khuyết điểm. Nhưng thay đổi một con người không dễ dàng như vậy. Sau khi kết hôn, nếu đối phương vẫn giữ thói quen của mình, vẫn bừa bộn, nóng nảy, hay về khuya,… bạn sẽ cảm thấy thất vọng.
Để không xảy ra điều này, hai bạn nên chia sẻ những kỳ vọng của mình về đối phương trước khi kết hôn. Ví như bạn hy vọng chồng mình có thể dành thời gian cuối tuần cho gia đình, hay vợ mình có thể nấu ăn mỗi ngày. Chỉ khi cả hai đi đến thỏa hiệp về những kỳ vọng của nhau, cuộc sống sau khi kết hôn mới có thể suôn sẻ và dài lâu.
2. Chấp nhận sự khác biệt của bạn đời
“Bạn phải nhớ rằng đối tác của bạn cũng là một cá thể độc lập với những điểm mạnh cũng như điểm yếu riêng, và họ cũng mong muốn được chấp nhận bởi chính bản thân họ”.
Bạn đời không phải là bản sao của bạn. Hai bạn có thể thu hút nhau bởi những sở thích hay quan điểm chung. Nhưng sau đó, những điểm khác biệt sẽ không ngừng xuất hiện. Lúc này, thay vì xung đột, việc thử đứng ở góc nhìn khác biệt của đối phương sẽ đưa cuộc hôn nhân của bạn tiến bước trong tương lai.
3. Thấu hiểu không tồn tại ở thì “luôn luôn”
Bạn và người ấy là hai cá thể hoàn toàn độc lập từ cá tính, bối cảnh trưởng thành cho đến văn hóa,… Vậy nên, sau khi kết hôn, việc yêu cầu đối phương luôn thấu hiểu cảm xúc, suy nghĩ của mình là một điều ngoài tầm với.
Thay vào đó, chia sẻ một cách cởi mở với nhau mới là chìa khóa tốt nhất để bạn có được một tình yêu thú vị và vững chắc. Đôi khi, bạn sẽ học hỏi được từ người ấy, và cũng có lúc bạn cần là người giáo viên kiên nhẫn. Sẵn sàng học hỏi lẫn nhau chính là dấu hiệu tích cực cho thấy hai bạn có thể tiến đến một giai đoạn mới trong mối quan hệ.
4. Tìm được tiếng nói chung
Gia đình có thể được xem là một mô hình tổ chức thu nhỏ. Vì vậy, việc thảo luận thẳng thắn với nhau về vai trò, nhiệm vụ của mỗi thành viên là điều rất cần thiết cho các cặp đôi trước khi kết hôn.
Một vài câu hỏi gợi ý cho cuộc trao đổi của bạn là: Thu nhập chính trong gia đình sẽ đến từ ai? Chia sẻ việc nhà cùng nhau như thế nào? Những truyền thống gia đình riêng của mỗi bên mà cả hai cần cùng nhau thực hiện? Có được tiếng nói chung sẽ giúp giảm thiểu đáng kể những cuộc xung đột sau khi kết hôn.
5. Thống nhất quản lý tài chính
Không có bất kì chuyên gia nào có thể đưa ra một quy chuẩn chung cho việc quản lý tài chính gia đình. Thay vào đó, điều này dựa vào việc thống nhất của hai bạn.
Một số cách làm thường gặp là “Tiền của anh và em là của chung”, hoặc cả hai thỏa thuận sẽ trích phần trăm lương của mình vào quỹ gia đình, còn lại thì “tiền ai nấy xài”. Ngoài ra, cũng cần làm rõ rằng ai sẽ người phụ trách giữ tiền, ai là người phụ trách quản lý thu chi trong gia đình.
6. Cùng ước mơ về ngôi nhà và những đứa trẻ
Đừng nghĩ rằng đây là viễn cảnh xa chỉ nên bàn đến sau khi kết hôn. Có thể một trong hai bạn đang ở giai đoạn ưu tiên cho công việc. Hoặc bạn đời của bạn mong muốn cả hai có thêm thời gian chuẩn bị về tài chính, tinh thần và cả sức khỏe.
Hãy cùng nhau đưa ra những phương án và giải pháp phù hợp nhất trước khi kết hôn. Điều này không chỉ vì cuộc sống hôn nhân mà còn giúp những đứa trẻ được lớn lên hạnh phúc.
7. Yêu hay được yêu
Khi còn là con trai hay con gái trong gia đình, bạn luôn được ba mẹ hết mực thương yêu mà không cần đáp lại. Lớn lên, bạn muốn tìm cho mình một người bạn đời có thể yêu thương bạn tương tự.
Vậy bạn muốn được đối phương yêu hay yêu đối phương? Nếu câu trả lời của bạn là được yêu thì có lẽ bạn chưa thật sự sẵn sàng cho vai trò mới trong hôn nhân. Bởi vì kết hôn là khi bạn muốn dành những điều tốt nhất cho gia đình nhỏ của mình. Hay nói cách khác, bạn đóng vai trò như ba mẹ mình – đó là không ngừng cho đi.
Không ngừng cho đi chính là chìa khóa để mở cửa trái tim không chỉ của đối phương, mà còn là của gia đình người ấy, của con cái bạn sau này. Nắm giữ được nó, bạn sẽ biết khi nào mình có thể cùng ai đó bước vào con đường kết hôn.
https://vietcetera.com/vn/truoc-nguong-cua-hon-nhan-9-dieu-ban-can-can-nhac
Tuyên bố miễn trừ trách nhiệm: Thông tin được cung cấp chỉ mang tính chất thông tin chung, thamtusg.com không đưa ra bất kỳ tuyên bố hoặc bảo đảm nào liên quan đến thông tin, bao gồm nhưng không giới hạn bất kỳ sự tuyên bố hoặc bảo đảm về tính thích hợp cho bất kỳ mục đích cụ thể nào của thông tin theo phạm vi cho phép tối đa của pháp luật. Mặc dù đã nỗ lực để đảm bảo rằng thông tin được cung cấp trong bài viết này là chính xác, đáng tin cậy và hoàn chỉnh vào thời điểm đăng tải, nhưng thông tin được cung cấp trong bài viết này không nên được dựa vào để đưa ra bất kỳ quyết định tài chính, đầu tư, bất động sản, giao dịch hoặc pháp lý nào. Thêm vào đó, thông tin không thể thay thế lời khuyên từ một chuyên gia được đào tạo, người mà có thể xem xét, đánh giá các sự kiện và hoàn cảnh cá nhân của bạn, và chúng tôi không chịu bất kỳ trách nhiệm nào nếu bạn sử dụng những thông tin này để đưa ra quyết định.