VHO – Chiều ngày 9.11, trong khuôn khổ LHP quốc tế Hà Nội lần VII (HANIFF VII) tại Trung tâm Chiếu phim Quốc gia đã diễn ra buổi chiếu phim “Em bé Hà Nội”.
“Em bé Hà Nội”, bộ phim của đạo diễn, NSND Hải Ninh là một trong bốn phim truyện được chiếu trong Chương trình phim chào mừng Kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô tại HANIFF VII, đánh dấu 50 năm ra đời của bộ phim (1974 – 2024).
“Em bé Hà Nội” được chiếu trên màn ảnh rộng của Trung tâm Chiếu phim quốc gia
Bộ phim kể về hành trình của cô bé Ngọc Hà – em bé Hà Nội, sau khi mất gia đình đã từ nơi sơ tán lên thành phố tìm người cha chiến sĩ của mình trong thời gian diễn ra chiến dịch Điện Biên Phủ trên không.
Với những cảnh phim được thực hiện ngay trên dãy phố Khâm Thiên, nơi hầu như đã bị đổ nát hoàn toàn sau 12 ngày đêm chịu những trận bom B52 ác liệt của không quân Mỹ vào tháng 12 năm 1972., đạo diễn, NSND Hải Ninh đã tái hiện thành công những ngày tháng ác liệt của cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước trên màn ảnh.
Sau 50 năm, một lần nữa được phục vụ khán giả yêu điện ảnh, “Em bé Hà Nội” đã để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng người xem về tình cảm gia đình, tình quân dân, tình đồng bào và sự vững vàng của Hà Nội trong những ngày bom đạn khốc liệt.
Buổi chiếu phim không chỉ thu hút những vị khán giả lần đầu xem phim mà còn có nhiều người quay lại, kể từ lần đầu vào năm 1972. Bà Nguyễn Thị Bích Liên (62 tuổi) chia sẻ, bộ phim luôn gợi nhớ lại ký ức bà cùng gia đình phải đi tránh bom Mỹ.
Lần đầu tiên xem phim vào năm 12 tuổi, hình ảnh em bé Hà Nội và những cảnh thảm sát máy bay thả bom ở phố Khâm Thiên đã khắc sâu vào trong tâm trí bà tới tận bây giờ. Hôm nay, khi được xem lại bộ phim sau nửa thế kỷ, bà Liên không khỏi bồi hồi, xúc động.
Biết đến buổi chiếu phim qua chương trình của HANIFF VII, khán giả Lan Vy (23 tuổi) chia sẻ, được xem bộ phim của quá khứ, chứng kiến những kỷ vật trong Bảo tàng Quân sự Việt Nam hiện lên trong phim, chị cảm thấy vô cùng xúc động và biết ơn sự hy sinh của những người chiến sĩ đã anh dũng bảo vệ hòa bình cho dân tộc.
Nhuộm màu thời gian nhưng sức sống của bộ phim vẫn còn mãi. Bởi giá trị của “Em bé Hà Nội” là giá trị của lịch sử. Tham gia buổi chiếu phim, còn có những khán giả trẻ mong muốn được hiểu về lịch sử của dân tộc qua phim ảnh.
Bạn Đặng Thu Hảo (18 tuổi) chia sẻ, em đã quyết định đi xem phim sau khi biết đây là một bộ phim tái hiện lịch sử.
Trước đây em đã tìm hiểu về 12 ngày đêm Điện Biên Phủ trên không, nhưng ngày hôm nay khi được xem phim, chứng kiến Hà Nội kiên cường trong cuộc kháng chiến, em đã không kìm được những giọt nước mắt, bộ phim đã khắc họa chân thực sự khốc liệt của chiến tranh.
“Em bé Hà Nội” đã trở thành một trong những tác phẩm kinh điển của điện ảnh cách mạng, đã được nhận giải thưởng Bông sen vàng cho “Phim hay nhất” tại LHP Việt Nam lần III năm 1975, giải đặc biệt của BGK LHP Quốc tế Moskva cùng năm.
Tuyên bố miễn trừ trách nhiệm: Thông tin được cung cấp chỉ mang tính chất thông tin chung, thamtusg.com không đưa ra bất kỳ tuyên bố hoặc bảo đảm nào liên quan đến thông tin, bao gồm nhưng không giới hạn bất kỳ sự tuyên bố hoặc bảo đảm về tính thích hợp cho bất kỳ mục đích cụ thể nào của thông tin theo phạm vi cho phép tối đa của pháp luật. Mặc dù đã nỗ lực để đảm bảo rằng thông tin được cung cấp trong bài viết này là chính xác, đáng tin cậy và hoàn chỉnh vào thời điểm đăng tải, nhưng thông tin được cung cấp trong bài viết này không nên được dựa vào để đưa ra bất kỳ quyết định tài chính, đầu tư, bất động sản, giao dịch hoặc pháp lý nào. Thêm vào đó, thông tin không thể thay thế lời khuyên từ một chuyên gia được đào tạo, người mà có thể xem xét, đánh giá các sự kiện và hoàn cảnh cá nhân của bạn, và chúng tôi không chịu bất kỳ trách nhiệm nào nếu bạn sử dụng những thông tin này để đưa ra quyết định.