Sáng 31/3, tại Hà Nội đã diễn ra hội thảo khoa học Bảo tồn và phát triển ẩm thực truyền thống Việt Nam. Nhiều diễn giả là các giáo sư về di sản văn hóa, nghệ nhân ẩm thực, chuyên gia du lịch đã đóng góp ý kiến tìm biện pháp bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa ẩm thực gắn với du lịch bền vững.
Tại đây, nghệ nhân ưu tú Phạm Ánh Tuyết chia sẻ kỳ vọng về thương hiệu ẩm thực của Việt Nam đủ mạnh và vươn ra tầm cỡ quốc tế như Nhật Bản, Trung Quốc. Là người tiếp xúc với nhiều du khách quốc tế, bà cho biết thường xuyện nhận được phản ánh của họ là ẩm thực Việt Nam rất phong phú.
Nhiều món ăn truyền thống Việt Nam như phở, bún chả, nem, bánh tôm được truyền thông nước ngoài ca ngợi. Ảnh: Phạm Huyền. |
“Khách nước ngoài thích món ăn Việt Nam vì không nhiều mỡ, dầu bằng món Trung Quốc, không cay bằng món Hàn Quốc. Món ăn Việt đưa vào những loại rau tươi vừa đẹp mắt vừa ngon miệng”, bà Tuyết nói. Ngoài ra, các gia vị Việt Nam còn rất phong phú, không chỉ là hương thơm mà còn là vị thuốc.
Theo đó, để tạo thương hiệu ẩm thực Việt, bà Tuyết đề xuất đưa món ăn Việt vào các khách sạn, nhà hàng, thay vì nhiều món Âu như hiện nay sẽ làm lép vế ẩm thực trong nước.
Ngoài tôn vinh các tổ nghề, các nghệ nhân, ông Trương Minh Tiến, Phó giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội cho rằng cần tìm ra được những món ăn đặc trưng nhất để quảng bá ẩm thực Việt Nam và phải chọn được địa điểm phù hợp.
Món ăn Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc thường xuyên xuất hiện trong các hội chợ ẩm thực của Việt Nam và thế giới. Ảnh: Phạm Huyền. |
Đồng ý với ý kiến trên, G.S. Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội đào tạo du lịch Việt Nam đề xuất cần có bộ sưu tập những món ăn truyền thống của Việt Nam, trong đó đưa vào các món tiêu biểu của từng vùng, miền. Sau đó phải quảng bá bằng nhiều hình thức khác nhau để hình ảnh du lịch ẩm thực Việt Nam nổi tiếng trên thế giới.
Nhằm đưa du lịch ẩm thực trở thành một loại hình du lịch ở nước ta, ông Vương Xuân Tình, Phó chủ tịch Hội Dân tộc học và Nhân học Việt Nam cho rằng cần điều chỉnh, bổ sung chiến lược, quy hoạch phát triển du lịch đến năm 2020 và tầm nhìn 2030.
“Ngoài ba trung tâm ẩm thực lớn là Hà Nội, Huế, Sài Gòn, cần chú trọng giá trị của ẩm thực vùng kết hợp với ẩm thực của các dân tộc, tôn giáo để xây dựng kế hoạch phát triển du lịch ẩm thực cho thích hợp”, ông Tình nói.
Nguồn: vnexpress
Tuyên bố miễn trừ trách nhiệm: Thông tin được cung cấp chỉ mang tính chất thông tin chung, thamtusg.com không đưa ra bất kỳ tuyên bố hoặc bảo đảm nào liên quan đến thông tin, bao gồm nhưng không giới hạn bất kỳ sự tuyên bố hoặc bảo đảm về tính thích hợp cho bất kỳ mục đích cụ thể nào của thông tin theo phạm vi cho phép tối đa của pháp luật. Mặc dù đã nỗ lực để đảm bảo rằng thông tin được cung cấp trong bài viết này là chính xác, đáng tin cậy và hoàn chỉnh vào thời điểm đăng tải, nhưng thông tin được cung cấp trong bài viết này không nên được dựa vào để đưa ra bất kỳ quyết định tài chính, đầu tư, bất động sản, giao dịch hoặc pháp lý nào. Thêm vào đó, thông tin không thể thay thế lời khuyên từ một chuyên gia được đào tạo, người mà có thể xem xét, đánh giá các sự kiện và hoàn cảnh cá nhân của bạn, và chúng tôi không chịu bất kỳ trách nhiệm nào nếu bạn sử dụng những thông tin này để đưa ra quyết định.