Lãnh đạo các nước GMS cùng các đối tác dự cuộc họp hôm nay tại Hà Nội. Ảnh: Giang Huy. |
Khu vực Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) sẽ phải đối diện với sự thay đổi ngày càng nhanh và các xu thế mới trong sự phát triển của mình, lãnh đạo các nước nêu rõ trong Hội nghị Thượng đỉnh Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) lần thứ 6 cuối tuần qua.
GMS là cơ chế hợp tác gồm các nước Việt Nam, Lào, Campuchia, Myanmar, Thái Lan và hai tỉnh Vân Nam, Quảng Tây của Trung Quốc. Khu vực này có diện tích 2,6 triệu km vuông và dân số khoảng 340 triệu người.
Với sự chủ trì của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, lãnh đạo các nước thành viên GMS tham dự cuộc họp thượng đỉnh ngày 31/3 có Thủ tướng Campuchia Hun Sen, Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith, Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha và Phó Tổng thống Myanmar U Henry Van Thio và Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị.
Các lãnh đạo GMS đánh giá thách thức mà khu vực phải xử lý thời gian tới là sự gia tăng tác động của biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường; cơ cấu dân số già hóa; di cư xuyên biên giới tạo ra các vấn đề về bảo trợ xã hội, đặc biệt đối với lao động không có tay nghề. Các công nghệ tạo đột phá của cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang làm thay đổi căn bản các hệ thống xã hội và kinh tế; áp lực kinh tế – xã hội tạo ra do quá trình đô thị hoá và sự hình thành các khu kinh tế cửa khẩu; khoảng cách phát triển trong mỗi quốc gia và giữa các quốc gia thành viên.
“Các diễn biến ở khu vực và quốc tế trong dài hạn sẽ làm thay đổi môi trường phát triển, đem đến những cơ hội và thách thức mới và đòi hỏi các chính sách mới”, lãnh đạo 6 nước nhấn mạnh.
Từ đó, các nước khuyến khích các bên liên quan nghiên cứu con đường phát triển của GMS sau năm 2022 của khung chiến lược hiện nay và phương thức để củng cố, tái cấu trúc khung chiến lược nhằm duy trì khả năng linh hoạt, thích ứng và phù hợp.
“Đất nước của chúng ta sông liền sông, núi liền núi, do đó chúng tôi cam kết tăng cường hợp tác trong việc sử dụng bền vững và quản lý tổng hợp các nguồn tài nguyên thiên nhiên, bao gồm đất đai, tài nguyên nước và rừng, thông qua hợp tác xuyên biên giới và nỗ lực tập thể, để đạt được an ninh lương thực, an ninh nguồn nước và an ninh năng lượng của tiểu vùng”, Tuyên bố chung của GMS 6 nêu rõ.
Các lãnh đạo GMS tái khẳng định cam kết tiếp tục thúc đẩy Chương trình hợp tác kinh tế GMS, tiếp tục ủng hộ các nguyên tắc cơ bản của khuôn khổ hợp tác GMS. Các thành viên cũng sẽ tìm cách phối hợp chương trình GMS và các sáng kiến khu vực và toàn cầu khác, bao gồm Cộng đồng ASEAN, Sáng kiến Vành đai và Con Đường của Trung Quốc, Cơ chế Hợp tác Mekong-Lan Thương, Hợp tác Campuchia-Lào-Myanmar-Việt Nam, Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady-Chao Phraya-Mekong.
Kết thúc GMS 6, lãnh đạo các nước đã thông qua Kế hoạch Hành động Hà Nội giai đoạn 2018-2022, Khung đầu tư khu vực vùng 2022 nhằm làm rõ hơn các trọng tâm hợp tác, thực hiện những điều chỉnh cần thiết để bảo đảm hợp tác GMS trong trung hạn đáp ứng tốt hơn nhu cầu phát triển của các nước thành viên, Khung đầu tư khu vực 2022 bao gồm 227 dự án với tổng kinh phí lên gần 66 tỷ USD. Các nước cũng thống nhất tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh GMS lần thứ 7 tại Campuchia vào năm 2021.
Tại Hội nghị cấp cao về Tam giác phát triển Campuchia, Lào, Việt Nam (CLV) lần thứ 10 diễn ra cùng ngày 31/3, Thủ tướng ba nước cũng nêu lên những thách thức lớn với các thành viên nhằm bảo đảm phát triển kinh tế bền vững và toàn diện. Trong đó CLV có thách thức chung với GMS như giải quyết các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, thu hẹp khoảng cách phát triển.
Từ đó, Việt Nam, Campuchia và Lào đã nhất trí thông qua Kế hoạch hành động Kết nối ba nền kinh tế đến năm 2030. Kết nối sẽ tập trung vào nâng cấp, hiện đại hóa và bảo đảm kết nối thông suốt và thuận lợi hạ tầng giao thông, công nghệ thông tin, năng lượng, thương mại, nông nghiệp, du lịch. Các bên cũng cam kết tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác toàn diện giữa ba nước, để khu vực này là một bộ phận không thể tách rời của Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN năm 2025.
“Chúng tôi tái khẳng định cam kết bảo vệ môi trường, sử dụng hợp lý và quản lý hiệu quả, bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên, trong đó có tài nguyên nước và rừng. Chúng tôi cũng khuyến khích tăng cường hơn nữa trao đổi thông tin giữa ba nước thông qua các hệ thống chia sẻ thông tin và cảnh báo sớm về lũ lụt, hạn hán, thảm hoạ thiên tai và ô nhiễm xuyên biên giới”, Thủ tướng ba nước nêu trong Tuyên bố chung của CLV 10.
Các nước đã nhất trí Hội nghị Cấp cao khu vực Tam giác phát triển Campuchia – Lào -Việt Nam lần thứ 11 được tổ chức tại Lào vào năm 2020.
Thủ tướng ba nước Campuchia, Việt Nam và Lào ký Tuyên bố chung sau họp CLV. Ảnh: Giang Huy. |
Khánh Lynh
Nguồn: vnexpress
Tuyên bố miễn trừ trách nhiệm: Thông tin được cung cấp chỉ mang tính chất thông tin chung, thamtusg.com không đưa ra bất kỳ tuyên bố hoặc bảo đảm nào liên quan đến thông tin, bao gồm nhưng không giới hạn bất kỳ sự tuyên bố hoặc bảo đảm về tính thích hợp cho bất kỳ mục đích cụ thể nào của thông tin theo phạm vi cho phép tối đa của pháp luật. Mặc dù đã nỗ lực để đảm bảo rằng thông tin được cung cấp trong bài viết này là chính xác, đáng tin cậy và hoàn chỉnh vào thời điểm đăng tải, nhưng thông tin được cung cấp trong bài viết này không nên được dựa vào để đưa ra bất kỳ quyết định tài chính, đầu tư, bất động sản, giao dịch hoặc pháp lý nào. Thêm vào đó, thông tin không thể thay thế lời khuyên từ một chuyên gia được đào tạo, người mà có thể xem xét, đánh giá các sự kiện và hoàn cảnh cá nhân của bạn, và chúng tôi không chịu bất kỳ trách nhiệm nào nếu bạn sử dụng những thông tin này để đưa ra quyết định.