Khi cha mẹ la hét, quát mắng, thậm chí roi vọt hoàn toàn không có tác dụng giáo dục trẻ. Đây đều là bạo lực gia đình, trong đó, bạo lực ngôn ngữ là phổ biến.
Nghiên cứu khoa học chỉ ra, sai lầm của các “cha mẹ hổ” (cha mẹ có cách dạy con rất khắt khe, dữ dằn) khiến trẻ gặp nhiều vấn đề tiêu cực.
Trí thông minh của trẻ thấp
Bạo lực bằng lời nói, trong một thời gian dài, có thể làm thay đổi cấu trúc não bộ của trẻ và ảnh hưởng đến trí thông minh của trẻ.
Martin A. Teicher, phó giáo sư tâm thần học tại Bệnh viện McLean, bệnh viện tâm thần hàng đầu Mỹ, trực thuộc ĐH Y Harvard, cùng cộng sự đã tiến hành một nghiên cứu sâu rộng về tác hại lâu dài của việc cha mẹ gây tổn thương cho trẻ bằng lời nói.
Vào năm 2009, nhóm nghiên cứu của Teicher đã sử dụng DTI (chụp cộng hưởng từ khuếch tán sức căng) để phân tích não của những thanh niên từng bị cha mẹ bạo hành bằng lời nói. Nhóm nghiên cứu nhận thấy sự giảm kết nối giữa khu vực Wernicke (khu vực chịu trách nhiệm hiểu ngôn ngữ) và thùy trán, tức là khả năng hiểu lời nói của người đó kém.
Tương tự, chỉ số IQ của những người thường xuyên tiếp xúc với bạo lực bằng lời nói của cha mẹ khi còn nhỏ chỉ là 112, thấp hơn so với những người không thường xuyên bị bạo lực bằng lời nói khi còn nhỏ (124).
Do đó, nếu bạn ngày ngày mắng con “ngu ngốc”, đứa trẻ lớn lên có thể thực sự không thông minh nổi.
EQ của trẻ rất kém
Khi cha mẹ tức giận con đến mức mất khả năng kiểm soát cảm xúc, họ rất dễ chuyển sang phản ứng căng thẳng với đứa trẻ. Cách cha mẹ phản ứng với một vấn đề dạy cho đứa trẻ cách đối mặt với các vấn đề của chúng trong tương lai. Do đó, nếu bạn giận dữ, la hét con, đứa trẻ lớn lên cũng sẽ xử lý rắc rối bằng cách đó, tức là đi vào vết xe đổ không có khả năng kiểm soát cảm xúc của chúng. Theo thời gian, EQ của chúng ngày càng tệ.
Trẻ dễ cực đoan
Các nghiên cứu của nhiều học giả, bao gồm cả Martin A. Teicher, đã phát hiện ra rằng những đứa trẻ bị cha mẹ bạo hành bằng lời nói khi còn nhỏ có nhiều khả năng phát triển các vấn đề sức khỏe tâm thần như trầm cảm, bất an… khi trưởng thành.
Ngay cả khi đứa trẻ ban đầu hoàn toàn bình thường, khỏe mạnh về tinh thần, dưới ảnh hưởng của “cha mẹ hổ” luôn gào thét, gầm gừ, sẵn sàng thổi phồng và chỉ trích, trẻ sẽ dần hình thành tâm lý tiêu cực, muốn phản kháng, thậm chí là ý thức phủ nhận bản thân mạnh mẽ. Chúng sẽ cảm thấy mình vô giá trị, như giáo sư Susan Forward đã viết trong cuốn sách “Những ông bố bà mẹ độc hại”: “Những đứa trẻ sẽ dần tin những gì cha mẹ nói về chúng”.
Do đó, khi tức giận, nên cố gắng kiểm soát. Đừng biến những lời nóng giận thành những mũi nhọn làm tổn thương tâm lý trẻ, ảnh hưởng đến thái độ và cuộc sống của chúng. Napoléon đã từng nói: “Người có thể kiểm soát cảm xúc của mình vĩ đại hơn một vị tướng có thể chinh phục một tòa thành”.
Gần đây, Viện Tâm lý Thẩm Dương, Trung Quốc thực hiện một bộ phim ngắn mang tên “Ngôn ngữ gây hại bao nhiêu?”. Trong bộ phim tài liệu này, nhiều cha mẹ nói họ không muốn làm con cái tổn thương, họ hối hận sau khi mắng con. Tuy nhiên, lúc nóng giận, họ mạt sát con mà không nghĩ gì, nhất là khi đứa trẻ khiến họ không chịu nổi. Do đó, chuyên gia đề xuất ba bước để các cha mẹ “hổ” có thể dần điều chỉnh cảm xúc của mình.
Tìm cách làm “xì hơi quả bóng”
Bạn có thể coi bản thân đang tức giận như một quả bóng đầy hơi, phải làm sao để tìm lối thoát cho những cảm xúc đó, như cách làm xì hơi quả bóng. Quá trình này gọi là chấp thuận và bày tỏ. Bước đầu tiên là thừa nhận cảm xúc tức giận của mình và sau đó là tìm lý do cho nó thông qua việc giãi bày. Ví dụ, bạn nói với bản thân: “Đúng, tôi đang tức giận”, “Tôi tức giận vì những cố gắng của mình không được con tôn trọng”… Khi thừa nhận sự tức giận của bản thân, bạn sẽ có hướng xử lý nó.
Điều chỉnh tâm lý
Nên bắt đầu bằng cách điều chỉnh nét mặt, đánh lừa não bộ bằng cách mỉm cười. Các nhà khoa học thần kinh đã phát hiện ra, cơ thể con người có thể thay đổi cảm xúc của chính họ. Ví dụ, khi bạn cười, não sẽ nhận tín hiệu và hiểu rằng bạn không tức giận, do đó, cơn giận của bạn sẽ loãng đi.
Bạn cũng có thể hít sâu, rửa mặt nước mát để xoa dịu tinh thần.
Sử dụng công thức biểu đạt ý tưởng
Mục đích cuối cùng của công việc này là giải quyết mọi vấn đề, khiến cơn nóng giận biến mất. Do đó, nên tự biểu đạt ý tưởng với chính mình: Tôi nên làm thế này, nên nói với con thế này, nên thưởng – phạt con thế này… “. Sau khi đã thỏa hiệp được với chính mình, bạn có thể từ từ đưa vấn đề trao đổi với trẻ để đạt hiệu quả giao tiếp tốt nhất.
Thùy Linh (Theo QQ)
Tuyên bố miễn trừ trách nhiệm: Thông tin được cung cấp chỉ mang tính chất thông tin chung, thamtusg.com không đưa ra bất kỳ tuyên bố hoặc bảo đảm nào liên quan đến thông tin, bao gồm nhưng không giới hạn bất kỳ sự tuyên bố hoặc bảo đảm về tính thích hợp cho bất kỳ mục đích cụ thể nào của thông tin theo phạm vi cho phép tối đa của pháp luật. Mặc dù đã nỗ lực để đảm bảo rằng thông tin được cung cấp trong bài viết này là chính xác, đáng tin cậy và hoàn chỉnh vào thời điểm đăng tải, nhưng thông tin được cung cấp trong bài viết này không nên được dựa vào để đưa ra bất kỳ quyết định tài chính, đầu tư, bất động sản, giao dịch hoặc pháp lý nào. Thêm vào đó, thông tin không thể thay thế lời khuyên từ một chuyên gia được đào tạo, người mà có thể xem xét, đánh giá các sự kiện và hoàn cảnh cá nhân của bạn, và chúng tôi không chịu bất kỳ trách nhiệm nào nếu bạn sử dụng những thông tin này để đưa ra quyết định.