Hai năm sau ngày ra mắt, Google Glass đã chính thức chìm vào quên lãng. Google đã mắc phải những sai lầm nào khiến cho Glass lâm vào tình cảnh hiện tại?
Khi truy cập trang web của Google dành riêng cho chiếc Glass, bạn sẽ đọc được thông điệp “Cảm ơn vì đã cùng chúng tôi khám phá. Hành trình chưa kết thúc tại đây”. Và đó là một hành trình chắc sẽ không mấy êm ả.
Một ví dụ vui vẻ
Để hiểu rõ được mức độ thất bại khủng khiếp của Google Glass, hãy thử tưởng tượng kịch bản giả tưởng sau đây: Apple ra mắt một chiếc iWatch xấu xí, đầy lỗi và thậm chí vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm rồi mang bán tới hàng nghìn người dùng với giá… 1.500 USD. Ngay sau đó, google có rất nhiều khách hàng nổi tiếng, từ giới blogger quyền lực cho tới các tên tuổi công nghệ lớn, bỏ một đống tiền ra mua chiếc đồng hồ này chỉ để chua chát nhận ra rằng đây là một sản phẩm vô dụng. Ít lâu sau, Apple “mang con bỏ chợ” và tuyên bố ngừng cả dự án đồng hồ này lẫn cả các hoạt động hỗ trợ.
Một sai lầm tầm cỡ “thảm họa” như vậy có đủ khả năng để quật ngã Apple? Chưa hẳn! Nhưng mức độ uy tín thì bị giảm sút rõ rệt. Câu chuyện của Google Glass thậm chí còn tồi tệ hơn!
Sai lầm nối tiếp sai lầm
Sai lầm đầu tiên của Google nằm ở chỗ gã khổng lồ tìm kiếm đã không tính đến các quan ngại về quyền riêng tư (điều rất được quan tâm ở các nước phương tây và Mỹ), trong khi chiếc Glass thực chất lại là một chiếc camera gắn trên kính mắt.
Một cơn bão dư luận nhanh chóng nổ ra, trong đó phần đông người dùng đều lo sợ sẽ bị nghe lén hay quay lén bằng Glass. Nhiều cửa hàng nhanh chóng ra lệnh cấm sử dụng chiếc kính thông minh của Google. Do là sản phẩm đầu tiên (và cũng là sản phẩm đình đám nhất) trong thị trường kính thông minh mới mẻ, chiếc Glass bỗng dưng trở thành “bia ngắm bắn” duy nhất cho những lời chỉ trích nhắm vào thị trường non trẻ này.
Bên cạnh các lo ngại về quyền con người, Google cũng đã không thể đưa ra những lời giải thích thuyết phục về các vấn đề an toàn (ví dụ như hành vi vừa đi xe vừa sử dụng Glass) hoặc sức khỏe. Xét cho cùng, công nghệ vẫn chưa đủ thân thiện để con người có thể thoải mái đeo một thiết bị có gắn Wifi lên đầu trong hàng giờ liền.
Việc tưởng chứng như không liên quan này lại ẩn chứa trong sản phẩm của Google. Khi chăm chú nhìn vào màn hình khá nhỏ của Google Glass sẽ làm ta bị phân tâm, không tập trung vào công việc, đặc biệt là khi lái xe. Một đạo luật đã được đưa ra tại rất nhiều nước để cấm việc sử dụng Google Glass khi lái xe. Vậy thì ứng dụng thực tiễn của sản phẩm đeo được này ở đâu khi nó không được sử dụng như một thiết bị rảnh tay khi lái xe?
Không có thị trường
Khi Google Glass mới được ra mắt, làng công nghệ đều trầm trồ vì một sản phẩm độc đáo bước ra từ những bộ phim viễn tưỏng. Với những tương lai mà Google đã vẽ ra, mọi người đều hi vọng về một sản phẩm thực sự đột phá. Nhưng đến lúc kính thông minh Google Glass được bán ra, sản phẩm này đã không đạt được những gì mà Google và người dùng mong đợi.
Theo một bản điều tra thị trường ở Ấn Độ, 90% số người được điều tra cho rằng họ sẽ không đeo chiếc kính thông minh này trên đầu. Một phần do sự quá khác biệt của Google Glass khiến nó trở thành lập dị khi đi ngoài đường, điều này khiến cho mọi người xa lánh Google Glass. Không ai muốn đeo một thiết bị khiến cho mình trở nên “khác người” cả.
Ứng dụng nghèo nàn
Sau một thời gian khá dài ra mắt, Google Glass vẫn chưa có một hệ thống phần mềm ứng dụng tương xứng với tiềm năng mà chiếc kính thông minh này có thể đem lại. Người dùng sẽ chỉ có thể dừng lại ở việc nhận điện thoại, quay video, chụp ảnh theo một cách mới lạ, không cần phải chạm đến smartphone, nhưng suy cho cùng, Google Glass vẫn phải cần đến smartphone để có thể hoạt động hết các chức năng. Trong khi các sản phẩm kính thực tế ảo đang dần chiếm thế thượng phong về ứng dụng và các tiện ích mà nó đem lại thì kính thông minh vẫn chưa có điểm đột phá.
Giá cả trên trời
Một rào cản đưa sản phẩm công nghệ tới tay người dùng chính là mức giá. Với con số trên 1.000 USD để sở hữu một thiết bị mới, ứng dụng thực tế không quá nhiều, vẻ ngoài kỳ lạ, đây có lẽ là rào cản khá lớn cho sự phổ cập của Google Glass.
Chưa kể đến là nguồn sản phẩm kính thông minh Google Glass thực sự không nhiều, khiến cho việc chiếc kính thông minh này tới tay người tiêu dùng càng trở nên khó khăn. Thời kỳ đầu, người đặt mua Google Glass có lúc đã phải hoàn thành một bản điều tra online khá dài trước khi có thể đặt mua nó. Đặt mua khó khăn, giá cả đắt đỏ đã khiến Google Glass ngày càng xa rời người tiêu dùng.
Định hướng phát triển sai lầm
Sai lầm tiếp theo là ở định hướng phát triển và quảng bá sản phẩm. Chiếc kính của Google liên tiếp lên trang nhất của các tờ báo công nghệ đình đám nhất trên thế giới, xuất hiện trên cả tạp chí lẫn các show diễn thời trang. Tất cả sự nổi tiếng này bỗng trở nên tiêu cực khi suốt từ giai đoạn thử nghiệm beta cho đến tận cuối đời, Google không hề cải thiện tính năng của Glass một cách hiệu quả.
Đến tháng 3/2015, một vị lãnh đạo của Google lần đầu tiên thừa nhận thất bại và làm rõ sai lầm về chiến lược marketing đối với Glass. Trong một cuộc trò chuyện tại Hội thảo South by Southwest, Astro Teller, lãnh đạo phòng nghiên cứu Google X cho biết khi cố thu hút sự chú ý của công chúng, Google đã khiến sản phẩm của mình bị “soi” theo cách tiêu cực. Đó là còn chưa kể, tình trạng và định hướng của Google Glass cũng không được làm rõ. Cho đến tận bây giờ, nhiều người vẫn không nhận ra rằng Glass chỉ là một sản phẩm mang tính chất thử nghiệm chứ không phải là một sản phẩm hoàn thiện.
Google đang làm gì với dự án Glass?
“Đội ngũ Glass đang bận rộn nghiên cứu tương lai cho sản phẩm”, đại diện Google trả lời câu hỏi phỏng vấn của Fox News.
Cho dù chương trình thử nghiệm Explorer đã bị ngừng vào tháng 1 vừa qua và thế hệ Glass đầu tiên đã bị “khai tử”, dự án Glass vẫn chưa kết thúc. Trong tuyên bố của mình, Google cho biết đã đưa Tony Fadell lãnh đạo của Nest (công ty sản xuất thiết bị nhà thông minh được Google mua lại 2 năm trước) vào phụ trách phiên bản Glass mới. Các nguồn tin rò rỉ cho biết Fadell sẽ phải “thiết kế lại Glass từ đầu”. Lần này, Google đã rút ra được bài học và quyết định sẽ không công bố những chiếc Glass tương lai cho đến khi đã có sản phẩm hoàn thiện trong tương lai.
Điều đó có nghĩa rằng “hành trình vẫn chưa dừng lại ở đây”, theo đúng những gì Google khẳng định trên trang chủ dành cho Glass. Lý do vì sao Google kiên quyết sửa sai cho “thảm họa” này cũng là rất dễ hiểu: Thị trường thiết bị đeo thông minh đang bùng nổ cả về cung lẫn cầu. Mới gần đây, IDC tung ra một bản báo cáo cho biết tổng số thiết bị đeo thông minh xuất xưởng trong năm 2015 sẽ là vào khoảng 72,1 triệu chiếc, tăng gần 3 lần so với con số 26,4 triệu vào năm ngoái.
Trong khi Apple đã đạt được một số thành công với chiếc Apple Watch, Google sẽ buộc phải tìm lại danh dự của mình với Glass. Đó là còn chưa kể, thị trường kính thông minh cho tới giờ vẫn chưa chật chội và khốc liệt như thị trường smartwatch. Để chiếm lĩnh miếng mồi béo bở này, Google sẽ phải nhớ thật kỹ những bài học từ “thảm họa” mang tên Glass 2013.
Google Glass – Từ ông hoàng đến kẻ ăn mày
Tuyên bố miễn trừ trách nhiệm: Thông tin được cung cấp chỉ mang tính chất thông tin chung, thamtusg.com không đưa ra bất kỳ tuyên bố hoặc bảo đảm nào liên quan đến thông tin, bao gồm nhưng không giới hạn bất kỳ sự tuyên bố hoặc bảo đảm về tính thích hợp cho bất kỳ mục đích cụ thể nào của thông tin theo phạm vi cho phép tối đa của pháp luật. Mặc dù đã nỗ lực để đảm bảo rằng thông tin được cung cấp trong bài viết này là chính xác, đáng tin cậy và hoàn chỉnh vào thời điểm đăng tải, nhưng thông tin được cung cấp trong bài viết này không nên được dựa vào để đưa ra bất kỳ quyết định tài chính, đầu tư, bất động sản, giao dịch hoặc pháp lý nào. Thêm vào đó, thông tin không thể thay thế lời khuyên từ một chuyên gia được đào tạo, người mà có thể xem xét, đánh giá các sự kiện và hoàn cảnh cá nhân của bạn, và chúng tôi không chịu bất kỳ trách nhiệm nào nếu bạn sử dụng những thông tin này để đưa ra quyết định.