Trung QuốcĐinh Nhất thường xuyên mất ngủ. Dù mệt mỏi nhưng cô không thể chợp mắt, từ đêm đến rạng sáng.
“Cơ thể tôi như bị một thế lực nào đó điều khiển”, cô gái 30 tuổi nói.
Trước đây Đinh Nhất cho rằng nguyên nhân của mất ngủ là do chênh lệch múi giờ, nhưng sau đó phát hiện ra đó không phải là lý do duy nhất. Trong đêm tối, tay cô liên tục quét lên màn hình điện thoại với hy vọng nhanh chóng chìm vào giấc ngủ.
Thế rồi, cô đọc bài báo nói rằng, ánh sáng phát ra từ màn hình điện thoại sẽ ảnh hưởng tới giấc ngủ. “Các thiết bị điện tử thế hệ mới thường sử dụng ánh sáng xanh, phát ra bước sóng ngắn nhạy cảm với melatonin (hormon gây buồn ngủ), ức chế đáng kể sự tiết melatonin và ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ”, bài báo viết. Chán nản, cô ném điện thoại xuống cuối giường.
Mắt trân trân nhìn lên trần nhà, Đinh Nhất tưởng tượng nếu đèn chùm chuyển động, bản thân sẽ bị thôi miên như các bộ phim truyền hình hay xem. Nhưng giấc ngủ vẫn không đến với cô.
Rờ chiếc điện thoại, cô gái bắt đầu tìm những người cùng cảnh ngộ để thấy bản thân không đơn độc. Trên mạng xã hội Douban, có một nhóm thanh niên giống Đinh Nhất, luôn hoạt động về đêm vì chứng mất ngủ. Họ bị rối loạn giấc ngủ ở nhiều mức độ khác nhau, chẳng hạn khó ngủ, mất ngủ, chất lượng giấc ngủ kém, dễ tỉnh giấc.
“Các thành viên đều dùng tới dụng cụ hỗ trợ ngủ. Rẻ thì vài chục tệ, đắt thì vài nghìn thậm chí hàng chục nghìn tệ. Không có thành viên nào không thử”, Đinh Nhất nói.
Có những người còn sử dụng thuốc đông y không rõ nguồn gốc, bấm huyệt, tập yoga… Một thành viên chia sẻ, cô từng dùng thuốc ngủ. Người này sau đó cảm thấy choáng váng và có thể ngủ thiếp đi. Nhưng khi đứng dậy để đến phòng vệ sinh, cô không thể bước đi thẳng mà phải bám sát vào bức tường.
“Điều này khiến tôi thấy mất ngủ thật đáng sợ”, Đinh Nhất nói.
Dữ liệu từ Hiệp hội nghiên cứu giấc ngủ Trung Quốc năm 2021 cho thấy, 300 triệu người nước này đang bị rối loạn giấc ngủ. Còn theo báo cáo Nghiên cứu giấc ngủ Trung Quốc năm 2022 chỉ ra 57,41% số người được hỏi bị mất ngủ từ 1-7 ngày trong tháng, 3% bị mất ngủ kinh niên.
Nhóm “Liên minh tương trợ về rối loạn giấc ngủ” với đa số thành viên là người trẻ tuổi trên mạng xã hội Douban từng có nhiều bài viết đề cập đến nguyên nhân mất ngủ. Trong đó chủ yếu chia thành yếu tố sinh lý, tâm lý và môi trường.
“Ví dụ như có kết quả kém trong các kỳ thi quan trọng, trượt đại học, chia tay người yêu, thất nghiệp… Những mối lo âu đó khiến nhiều người trẻ không ngủ được, thậm chí có người không muốn ngủ”, một thành viên sáng lập nhóm chia sẻ.
Dù gây phiền toái cho nhiều người nhưng áp lực mất ngủ đã tạo ra sự bùng nổ của một ngành kinh tế. Trong 5 năm (2016-2020), quy mô của thị trường sản phẩm, dịch vụ phục vụ giấc ngủ ở Trung Quốc đã tăng từ 261 tỷ tệ lên hơn 378 tỷ tệ, tốc độ tăng trưởng hơn 44%. Thị trường này được dự kiến tiếp tục duy trì xu hướng tăng trưởng trong tương lai.
Số liệu khảo sát của iMedia Research năm 2021 cho thấy khi đối mặt với các vấn đề về giấc ngủ, 40% người tiêu dùng nước này sẽ chọn mua các sản phẩm hỗ trợ. Mức độ yêu thích các sản phẩm tương đối cao. Trong khi đó, 58% người tiêu dùng tin rằng các sản phẩm hỗ trợ giấc ngủ có tác dụng yếu và khó giải quyết các vấn đề về giấc ngủ với những nguyên nhân phức tạp.
Mỗi tối, Maggie đeo tai nghe, ngồi trên giường và bắt đầu thiền. Trước đó, cô đã chi hàng nghìn tệ để mua một chiếc chăn trọng lực được quảng cáo giúp người dùng dễ có giấc ngủ sâu. Cô cũng đã mua thiết bị hỗ trợ ngủ bằng dòng điện, mặt nạ xông hơi cho mắt cũng như nhiều loại thuốc bổ hỗ trợ ngủ cả trong và ngoài nước.
“Tôi đã chi cả trăm nghìn tệ để có giấc ngủ ngon. Số tiền này với một người trẻ không hề nhỏ”, Maggie nói.
Maggie chỉ là một trong nhiều thành viên của nhóm “Liên minh tương trợ về rối loạn giấc ngủ” chi tiền để mua giấc ngủ cho mình. Một số thành viên của nhóm còn chữa mất ngủ bằng phương pháp âm thanh với chi phí 400-900 tệ.
Trong nhóm thảo luận, chưa bao giờ có câu trả lời chính xác cho các phương pháp tự chữa trị của người mất ngủ. Chỉ bằng cách không ngừng cố gắng, thử nghiệm, họ mới có thể tìm ra cách phù hợp nhất với mình.
Đinh Nhất đeo tai nghe, đi ngủ lúc 12 giờ đêm, tỉnh giấc lúc bốn giờ sáng. Tám giờ dù rất mệt mỏi cô vẫn phải ra khỏi giường để làm việc. Ban ngày để tỉnh táo cô gái này chỉ có thể uống cà phê … Trong một thời gian dài, vòng luẩn quẩn cứ thế lặp lại.
Đinh đã thử đếm 10.000 con cừu, uống tất cả các loại vang đỏ bán trên thị trường, chạy bộ ban đêm… nhưng kết quả không như ý muốn. Sau thời gian dài mất ngủ, cô nhận thấy nếu càng lo lắng càng thêm mệt mỏi, không thể thoát ra được.
Sau nhiều tháng lăn lộn, cuối cùng Đinh đến bệnh viện gặp bác sĩ. “Đó là cách duy nhất thời điểm hiện tại tôi có thể tự cứu mình”, cô nói.
Vy Trang (Theo Neweekly)
Tuyên bố miễn trừ trách nhiệm: Thông tin được cung cấp chỉ mang tính chất thông tin chung, thamtusg.com không đưa ra bất kỳ tuyên bố hoặc bảo đảm nào liên quan đến thông tin, bao gồm nhưng không giới hạn bất kỳ sự tuyên bố hoặc bảo đảm về tính thích hợp cho bất kỳ mục đích cụ thể nào của thông tin theo phạm vi cho phép tối đa của pháp luật. Mặc dù đã nỗ lực để đảm bảo rằng thông tin được cung cấp trong bài viết này là chính xác, đáng tin cậy và hoàn chỉnh vào thời điểm đăng tải, nhưng thông tin được cung cấp trong bài viết này không nên được dựa vào để đưa ra bất kỳ quyết định tài chính, đầu tư, bất động sản, giao dịch hoặc pháp lý nào. Thêm vào đó, thông tin không thể thay thế lời khuyên từ một chuyên gia được đào tạo, người mà có thể xem xét, đánh giá các sự kiện và hoàn cảnh cá nhân của bạn, và chúng tôi không chịu bất kỳ trách nhiệm nào nếu bạn sử dụng những thông tin này để đưa ra quyết định.