Những cô dâu bị mua bán như món hàng ở Ấn Độ
Tahmina, 13 tuổi, bị chị gái bán cho một người đàn ông già hơn gần 30 tuổi. Cô bé là một trong số ít người may mắn được một tổ chức từ thiện chống buôn người giải cứu. Câu chuyện của Tahmina rất phổ biến ở Ấn Độ, nơi hàng trăm nghìn phụ nữ và trẻ gái bị bán làm nô lệ tình dục và bóc lột sức lao động, theo Guardian.
Bà Pul đã đi 2.000 km từ nhà tại Assam, đông bắc Ấn Độ, tới một nhà trú ẩn nhỏ do chính phủ thành lập ở bang khác để gặp con gái. Bà òa khóc, vươn tay ôm chầm lấy Tahmina, cô con gái bé bỏng mà Pul tưởng sẽ không bao giờ được gặp lại.
6 tuần trước, Tahmina rời nhà cùng chị gái và anh rể. Cô bé nghĩ được tới Delhi nhưng cuối cùng, Tahmina bị đưa tới một ngôi làng hẻo lánh ở Haryana, ép lấy một người đàn ông lớn tuổi.
Tahmina, 13 tuổi, ôm mẹ khi hai người đoàn tụ trong Trung tâm Phúc lợi Trẻ em ở Haryana.
Tahmina vẽ lại hành trình bị bán trên tờ giấy hồng.
Tại nhà an toàn do Empower People, một tổ chức từ thiện chống buôn bán người điều hành, Tahmina được đoàn tụ với mẹ. Lấy một tờ giấy hồng, Tahmina vẽ lại quãng đường đã trải qua, di chuyển bằng xe buýt, tàu hỏa và ôtô. Cuối cùng, em vẽ lại cảnh bị những người lạ vây quay, viết xuống con số 50.000 rupee (770 USD), cái giá mà cô bé bị bán cho người khác.
Vài tuần sau, sau khi được trị liệu tâm lý, Tahmina cảm thấy đã sẵn sàng kể lại ký ức kinh hoàng.
“Chị bảo cháu là đang đi tới Delhi cùng anh rể và các bạn anh ấy”, cô bé nói. “Họ đưa cháu đến Haryana, nhốt cháu trong phòng. Những người đàn ông lạ mặt tới xem cháu, ra giá, chị ấy thì ở bên ngoài, biết rõ chuyện gì sắp đến với cháu”.
Tahmina thoát khỏi cảnh bị ép làm vợ, nhưng khắp vùng tây bắc Ấn Độ, hàng nghìn phụ nữ và trẻ gái không may mắn như cô bé. Họ bị lừa bán, chịu cảnh ly tán gia đình, bị bóc lột sức lao động, bị cưỡng ép làm nô lệ tình dục.
Jaikam (giữa) rất nổi tiếng ở Mewat, Haryana. Ông ta chuyên cung cấp phụ nữ và trẻ em từ các tỉnh khác tới khu vực này và bán cho những người đàn ông địa phương không thể tìm vợ ở đây.
Trong nhiều thế kỷ, buôn bán cô dâu đã trở thành một ngành kinh doanh bùng nổ ở các bang miền bắc Ấn Độ như Haryana, Punjab và Rajasthan. Chính phủ không có thống kê cụ thể về số nạn nhân trong đường dây buôn người, nhưng ước tính, hàng trăm nghìn phụ nữ và trẻ gái, chủ yếu đến từ Assam, Tây Bengal, Jharkhand và Bihar đã bị bán làm cô dâu.
Theo số liệu từ Báo cáo Tội phạm Quốc gia năm 2016, gần 33.900 người đã bị bắt cóc hoặc cưỡng ép kết hôn. 50% nạn nhân dưới 18 tuổi. Các nhà hoạt động cho rằng quy mô ngành buôn bán cô dâu vẫn chưa được đánh giá đúng. Một cuộc khảo sát với từng nhà dân của Empower People năm 2014 đã phát hiện 1.352 phụ nữ là nạn nhân của bọn buôn người đang sống cùng ông chồng đã mua họ, trong 85 ngôi làng ở miền bắc Ấn Độ.
Ảnh một bé gái là nạn nhân của bọn buôn người. Lần cuối cùng người nhà nhìn thấy Jashmir là năm cô bé 14 tuổi, Jashmir có thể đã bị bán làm vợ cho ai đó ở phía bắc Ấn Độ.
Shafiq R Khan, người sáng lập Empower People, cho biết phụ nữ và trẻ gái bị bán làm vợ thường phải sống trong cảnh bị bạo lực tình dục và lao động trong gia đình.
Năm 2013, một báo cáo của cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm Liên Hợp Quốc cho biết phụ nữ bị buôn bán làm vợ thường bị “bóc lột, tước đoạt các quyền cơ bản, cưỡng ép lao động và thậm chí bị bỏ rơi, bán trao tay cho người khác”.
Lang Khakdua ở Assam, một trong những huyện chính nơi trẻ em gái ở Ấn Độ bị buôn bán tới đây làm cô dâu.
“Nếu phải mua vợ vì trong vùng thiếu phụ nữ, đáng lẽ họ nên tôn trọng vợ, nhưng không”, Khan nói. “Họ gọi vợ là paro hoặc molki, nghĩa là ‘hàng ăn cắp’ hay ‘hàng mua’, với giọng điệu đầy sỉ nhục”.
Nhiều cô dâu bị bán tới đây buộc phải làm việc nặng nhọc không công cho chồng và nhà chồng.
Sanjida và hai trong số 4 con.
Sanjida sống với tư cách là một paro ở huyện Mewwat, bang Haryana 15 năm nay. Khi còn là thiếu nữ, cô nghe lời dụ dỗ lên Delhi làm nghề trông trẻ nên đã rời bỏ quê nhà ở Assam. Tuy nhiên, Sanjida bị đưa tới Mewat và bán cho Mubin với giá 10.000 rupee (153 USD).
“Có những việc mà phụ nữ địa phương được quyền từ chối không làm, nhưng paro thì không”, Sanjida nói. “Chúng tôi không có gia đình bên cạnh bảo vệ”.
Tập tục này đã tồn tại nhiều thế kỷ, vì vậ
y, một số gia đình coi đó là chuyện hiển nhiên nếu không lấy được vợ người bản địa.
“Đàn ông nghèo như chúng tôi, không có nhiều đất đai nhà cửa rất khó tìm được vợ ở đây”, Mubin nói.
Samsuddil và Najida cùng con trai 3 tháng tuổi.
Samsuddil, 41 tuổi, người Mewat, đã trả 153 USD để mua Najida, một cô gái ngoài 20 tuổi đến từ Assam, sau khi không thể có con với vợ cả. Giờ ba người sống cùng nhau.
“Tôi mua Najida vì không có con với vợ đầu được, mà con cái là vấn đề rất quan trọng”, ông nói. “Bởi tôi đã có vợ rồi, nên không nhà nào ở đây đồng ý gả con cho tôi nữa”.
Saeeda bế con gái út. Chồng bỏ tiền mua cô hơn 20 năm trước và cô không nhớ quê quán ở đâu.
Trong ngôi làng lân cận, Saeeda vừa ôm con gái út vừa kể chuyện bị đưa tới Haryana 20 năm trước cùng chị gái.
“Tôi chỉ nhớ được là tôi đã đến Haryana khi 11 tuổi”, cô nói. “Tôi bị đưa đến đây cùng chị gái, nhưng tôi đã không gặp lại chị ấy kể từ khi đến đây”.
Saeeda bị bán cho Azim, người người đàn ông góa vợ hơn cô 20 tuổi, đã có 6 con với người vợ đầu. Anh ta và người nhà thường xuyên đánh đập Saeeda.
“Họ muốn tôi phải cam chịu, nếu tôi chống đối, họ luôn giở giọng: ‘Chúng tao bỏ tiền mua mày đấy, mày chỉ là món đồ thôi'”.
Khi các nhà hoạt động của Empower People tiếp cận với Saeeda, họ nói cho cô biết những quyền lợi cô đáng được hưởng với tư cách là vợ và mẹ. Bây giờ, người chồng đã đồng ý điền tên cô vào giấy tờ nhà, đồng nghĩa với việc cô và con cái được đảm bảo nếu chẳng may Azim chết trước.
Rất nhiều paro đã bị đuổi khỏi nhà khi chồng chết. Ngôi nhà của cô trở thành nơi gặp gỡ thường xuyên và là nơi trú ẩn cho những paro khác sống cùng làng. Cô cũng giúp đỡ nhiều người trong cộng đồng, những người bị bán tới đây và ép lấy chồng.
“Bây giờ tôi đã đủ can đảm để đấu tranh”,
Saeeda nói.
Sujanda cho con trai 9 tháng tuổi ăn sữa.
Sujanda được giải cứu khỏi cuộc đời paro sau khi gọi về được cho gia đình ở Assam.
“Tôi phải làm việc như súc vật trên đồng ruộng, ở trong nhà, nhưng không được một đồng nào”, thiếu nữ 15 tuổi nói. “Nếu tôi từ chối, họ sẽ lập tức thượng cẳng tay hạ cẳng chân”.
Khi gia đình Sujanda tới Haryana đón con, cô bé đã bị ép lấy chồng và đang mang thai. Sujanda đang sống cùng ông bà và con trai 9 tháng tuổi, bị kỳ thị vì không có chồng.
“Nhưng tôi chẳng để tâm xem người khác nói gì hay nghĩ gì nữa. Tôi chỉ muốn nuôi con thành một người tử tế”.
Tahmina cũng bị kỳ thị khi quay về nhà. Bố cô từ chối cho con gái về ở, thậm chí đưa cả mẹ và các anh chị em của Tahmina rời khỏi làng. Cô bé đang sống cùng bà ngoại, và bóng ma từ cuộc hôn nhân ngắn ngủi sẽ ám ảnh suốt cuộc đời cô gái trẻ.
Hồng Hạnh (theo Guardian)
Nguồn: vnexpress
Tuyên bố miễn trừ trách nhiệm: Thông tin được cung cấp chỉ mang tính chất thông tin chung, thamtusg.com không đưa ra bất kỳ tuyên bố hoặc bảo đảm nào liên quan đến thông tin, bao gồm nhưng không giới hạn bất kỳ sự tuyên bố hoặc bảo đảm về tính thích hợp cho bất kỳ mục đích cụ thể nào của thông tin theo phạm vi cho phép tối đa của pháp luật. Mặc dù đã nỗ lực để đảm bảo rằng thông tin được cung cấp trong bài viết này là chính xác, đáng tin cậy và hoàn chỉnh vào thời điểm đăng tải, nhưng thông tin được cung cấp trong bài viết này không nên được dựa vào để đưa ra bất kỳ quyết định tài chính, đầu tư, bất động sản, giao dịch hoặc pháp lý nào. Thêm vào đó, thông tin không thể thay thế lời khuyên từ một chuyên gia được đào tạo, người mà có thể xem xét, đánh giá các sự kiện và hoàn cảnh cá nhân của bạn, và chúng tôi không chịu bất kỳ trách nhiệm nào nếu bạn sử dụng những thông tin này để đưa ra quyết định.