Quay sang ôm vợ, anh Tùng lập tức bị đạp văng từ giường xuống đất kèm câu mắng “Ông như con vật, đừng đụng vào người tôi”. Anh lẳng lặng ôm gối ra sofa.
Kể lại tình huống này, anh Nguyễn Đức Tùng, 35 tuổi, ở Nghệ An thở dài: “Nhà này những năm qua như địa ngục trần gian”.
Trước đây, hai vợ chồng anh người làm thợ xây, người buôn bán nhỏ. Chị Hằng, vợ anh, khéo thu vén nên gia đình yên ấm. Năm 2016, đứa con thứ ba chào đời, cuộc sống chật vật hơn, chị vay mượn để đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan. Anh Tùng ở nhà nấu ăn, đưa đón các con đi học. Các khoản chi tiêu lớn nhỏ đều trông chờ tiền chị gửi về.
Kinh tế chưa thấy khởi sắc thì quan hệ vợ chồng đã xấu đi trông thấy. Chị Hằng thay đổi hẳn thái độ. Mỗi năm về thăm nhà hai tuần nhưng chị không gần gũi chồng. “Cô ấy bảo tôi người lúc nào cũng hôi rình, chê tôi là kẻ chỉ biết ăn bám để cô ấy phải kiếm tiền”, anh Tùng nói.
Về nước, có vốn làm ăn, chị Hằng mở cửa hàng tạp hóa lớn nhất xã. Anh Tùng vẫn lo chuyện nội trợ, đưa đón con đi học và phụ vợ nhập hàng, vận chuyển. Chuyện chăn gối của hai vợ chồng đỡ nguội lạnh hơn trước nhưng hễ có chuyện gì bực bội, anh lại bị cấm vận. Chị cãi nhau với mẹ chồng nhưng chồng không bênh, tối về anh Tùng bị chửi bới, đá ra khỏi giường. Việc gì không vừa ý, nhẹ thì chị lườm nguýt, “đá thúng đụng nia”, nặng thì đạp lưng chồng bất kể đang ở nhà hay ở cửa hàng. “Tôi làm việc túi bụi cả ngày mà vẫn bị so sánh với người nọ người kia”, Tùng than thở.
Hoàn cảnh của Tùng hội đủ ba yếu tố điển hình của một vụ “bạo hành ngược” – thuật ngữ chỉ những người chồng là nạn nhân của bạo hành gia đình gồm: Bạo hành thân thể, bạo hành tình dục (cấm hoặc ép buộc quan hệ) và bạo hành tinh thần.
“Nhiều trường hợp đàn ông bị vợ đánh, hắt hủi, cấm vận, phong tỏa… nhưng sĩ diện nên không dám kêu”, đại biểu Trương Anh Tuấn (Nam Định) từng phát biểu trong phiên thảo luận của Quốc hội về mục tiêu bình đẳng giới, tháng 11/2017. “Khi nói đến bình đẳng giới mọi người thường nghĩ đến phụ nữ, mà quên mất đàn ông”, ông Tuấn nói.
Chung quan điểm này, chuyên gia tâm lý Lã Linh Nga, giám đốc trung tâm nghiên cứu & phần mềm khoa học tâm lý giáo dục (Hà Nội), khẳng định nam giới hay phụ nữ đều có thể là nạn nhân của bạo hành gia đình, dù tỷ lệ người chồng bị bạo hành thấp hơn. “Phụ nữ thường bị bạo hành cả tinh thần và thể chất, trong khi nam giới bị bạo hành tinh thần nhiều hơn”, bà Nga nói.
Ở Việt Nam, báo cáo năm 2013 của Bộ Công an cho biết, 20% nạn nhân của các vụ bạo hành gia đình là đàn ông. Năm 2017, báo cáo của Sở Văn hóa – Thể thao Nghệ An cho biết, trong 601 vụ bạo hành gia đình được phát hiện ở tỉnh này, có 58 nạn nhân là nam giới và 54 là nữ giới. Tiêu biểu tại huyện Kỳ Sơn có 81 vụ bạo hành gia đình, trong đó vợ dùng vũ lực bạo hành thân thể chiếm đến 21 vụ. Có thể thấy, vấn đề này tuy chưa đến mức phổ biến nhưng không phải chuyện hiếm.
Kết quả một cuộc thăm dò 8.000 cặp vợ chồng Mỹ trong vòng 10 năm (1975-1985), tỷ lệ phụ nữ tấn công nam giới ngang ngửa tỷ lệ đàn ông giở trò vũ phu với vợ. Elizabeth Bates, nhà nghiên cứu tại ĐH Cumbria (Anh) cho biết, xã hội không thừa nhận rằng đàn ông cũng có thể là nạn nhân của bạo lực gia đình. Bà cảnh báo: “Chuyện đàn ông bị vợ bạo lực đôi khi được miêu tả trên TV hoặc trong các chương trình với bối cảnh hài hước. Chúng ta có thể cười nhạo bạo lực của phụ nữ với nam giới và điều này vô tình ngăn cản nam giới tìm kiếm sự giúp đỡ, xuất phát từ nỗi sợ rằng không ai tin họ”. Trên thực tế, điều này có thể khiến các nạn nhân nam phải trả một cái giá rất lớn.
Không chia sẻ được với ai và cũng không biết tìm kiếm sự giúp đỡ ở đâu nên anh Nguyễn Đức (47 tuổi, ở TP HCM) luôn thấy khó thở với cuộc sống hôn nhân. Từ khi cưới nhau, hễ vợ chồng cãi vã, chị Tú, vợ anh sẵn sàng “mày, tao” với chồng. Có lần, anh bác sĩ đi làm về muộn, thấy vợ mải xem điện thoại không cơm nước nên cáu gắt. Sẵn con dao gọt hoa quả ở bàn, Tú phi ra cửa hướng thẳng mặt chồng. May là anh Đức tránh kịp.
Bốn năm nay, anh bị cứng khớp gối, đi lại khó khăn. Thi thoảng vợ gọi đưa đón con nhưng anh sợ đi đường không an toàn nên từ chối. Chị Tú xa xả mắng trong điện thoại “loại chồng như mày không có còn hơn”.
“Tôi đau đớn vì lúc mình ốm đau vợ không chia sẻ, lại mạt sát, coi thường”, anh chua chát. Từ lúc chồng bệnh, chị đi sớm, về muộn để không phải ăn cơm cùng mâm với anh. Buổi tối, chị sang ngủ với con, để chồng một mình.
Trong một khảo sát được thực hiện trong hai năm 2018 -2019, với hơn 2.500 nam giới ở độ tuổi 18-64 của Viện nghiên cứu và phát triển xã hội (ISDS), tỷ lệ vợ bạo hành chồng chiếm khoảng 4%, bằng một nửa tỷ lệ chồng bạo hành vợ. Tuy nhiên, nam giới ở độ tuổi trẻ nhất (18-29) đã từng gây bạo lực gia đình thấp nhất trong các nhóm tuổi. Thậm chí ở nhóm này, tỷ lệ người vợ sử dụng bạo lực về thể chất gần gấp đôi so với người chồng (6,2% so với 3,5%).
Anh Nguyễn Đức Tùng đã nhiều lần phải dùng thuốc ngủ hoặc uống rượu để ngủ. “Không sự nghiệp, không tiền bạc, bị vợ con coi thường tôi rất mệt mỏi. Tôi từng có suy nghĩ hay là dốc hết thuốc ngủ trong hộp vào miệng để chấm dứt tất cả”, anh nói.
Giống như Tùng, 1/4 nam giới tham gia khảo sát của ISDS thừa nhận thấy áp lực trong cuộc sống. Trong đó, hơn 80% áp lực về tài chính và 70% áp lực về sự nghiệp.
Diễn giả, nhà báo Hoàng Anh Tú cho rằng, nhiều nam giới bị vợ bạo hành thường giải tỏa bằng rượu bia hoặc bạo hành lại chính vợ con mình. Điều này tạo thành vòng luẩn quẩn, bế tắc.
Anh Trần Văn Hùng, 41 tuổi, ở Thanh Hóa thường xuyên được hội phụ nữ địa phương đến nhà khuyên giải vì bạo hành vợ và con gái. Lần gần nhất cán bộ đến nhà anh, anh Hùng nói: “Tôi hứa sẽ đánh vợ ít đi. Nhưng các chị bảo nó bớt quá quắt cho tôi thở nữa”.
Là thợ máy, anh Hùng thường xuyên phải tăng ca đến nửa đêm. Có những hôm, anh làm 14 tiếng nhưng hễ về nhà là chị Hương, vợ anh trách “mù chữ hay sao không dạy thằng Tý học”, “tay có què đâu mà không quét được cái nhà”… Vừa dọn dẹp, chị vừa chửi con, nhưng bóng gió sang chồng “tập làm việc nhà đi không mai này vợ nó úp váy lên đầu”. Bực bội, những lúc say, Hùng trả đũa bằng cách túm tóc, bạt tai vợ.
Để thay đổi thực trạng này, diễn giả Hoàng Anh Tú cho rằng xã hội và chính bản thân nam giới nên xóa bỏ định kiến giới và nhìn nhận khách quan về bạo lực gia đình. “Chuyện nam giới bị bạo lực trong gia đình là một thực trạng đòi hỏi xã hội giải quyết, không phải là chuyện câu like trên mạng để cười đùa, giễu cợt”, ông Tú nói.
Theo bà Linh Nga, thay vì giấu giếm, xấu hổ vì là nạn nhân của bạo lực gia đình, đàn ông nên tâm sự với những người thân thiết như là bố mẹ, anh chị em vợ, bạn chung của hai người, nhằm giải tỏa căng thẳng và có thể nhờ sự tác động của họ.
Sau triền miên bế tắc trong hôn nhân, anh Tùng đã nghĩ sẽ lên Hà Nội đi làm. Nhưng công việc ở cửa hàng bận rộn, con nhỏ, vợ không cho anh đi.
“Cô ấy bảo tôi muốn giãy ra để cặp kè với người khác. Tôi sẽ viết đơn ly dị”, anh nói. Thương con nhỏ, nhưng anh nghĩ đã đến lúc giải thoát cho chính mình.
Phạm Nga
Tuyên bố miễn trừ trách nhiệm: Thông tin được cung cấp chỉ mang tính chất thông tin chung, thamtusg.com không đưa ra bất kỳ tuyên bố hoặc bảo đảm nào liên quan đến thông tin, bao gồm nhưng không giới hạn bất kỳ sự tuyên bố hoặc bảo đảm về tính thích hợp cho bất kỳ mục đích cụ thể nào của thông tin theo phạm vi cho phép tối đa của pháp luật. Mặc dù đã nỗ lực để đảm bảo rằng thông tin được cung cấp trong bài viết này là chính xác, đáng tin cậy và hoàn chỉnh vào thời điểm đăng tải, nhưng thông tin được cung cấp trong bài viết này không nên được dựa vào để đưa ra bất kỳ quyết định tài chính, đầu tư, bất động sản, giao dịch hoặc pháp lý nào. Thêm vào đó, thông tin không thể thay thế lời khuyên từ một chuyên gia được đào tạo, người mà có thể xem xét, đánh giá các sự kiện và hoàn cảnh cá nhân của bạn, và chúng tôi không chịu bất kỳ trách nhiệm nào nếu bạn sử dụng những thông tin này để đưa ra quyết định.