Quá liều insulin thường gặp ở bệnh nhân tiểu đường điều trị bằng phương pháp này, có thể gây hạ đường huyết, rơi vào tình trạng nguy hiểm.
Insulin là loại hormone quan trọng được chiết xuất và sử dụng nhiều trong điều trị tiểu đường. Bệnh nhân sử dụng insulin đúng liều, đúng cách có thể duy trì đường huyết ở mức ổn định, từ đó, kiểm soát bệnh. Tuy nhiên, dùng quá liều insulin có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe, đôi khi dẫn đến tử vong nếu quá liều nghiêm trọng và không được xử lý kịp thời.
Triệu chứng quá liều insulin
Lượng insulin dư thừa trong máu khiến các tế bào hấp thụ nhiều đường và ngăn cản gan giải phóng glucose. Hai tác động này kết hợp với nhau sẽ gây hạ đường huyết. Mức độ nghiêm trọng của tình trạng quá liều insulin phụ thuộc vào việc nồng độ đường huyết của bệnh nhân giảm thấp đến mức nào.
Nếu bị hạ đường huyết nhẹ, bệnh nhân có thể gặp phải các triệu chứng như đổ mồ hôi, ớn lạnh, choáng váng, chóng mặt, lo lắng, hồi hộp, run rẩy, loạn nhịp tim, đói bụng, cáu gắt, nhìn đôi hoặc nhìn mờ, ngứa ran vùng môi và quanh miệng… Khi nhận thấy các triệu chứng này, người bệnh cần theo dõi và bổ sung thêm các loại thực phẩm cung cấp glucose có tác dụng nhanh như nước ép trái cây, kẹo, đường, mật ong, nước ngọt để tránh đường huyết giảm xuống mức nguy hiểm.
Hạ đường huyết do quá liều insulin có thể gây choáng váng, chóng mặt.
Các triệu chứng hạ đường huyết nhẹ thường được cải thiện trong vòng 15 phút sau khi bổ sung thêm glucose. Nếu các triệu chứng không thuyên giảm hoặc mức đường huyết vẫn thấp thì tiếp tục bổ sung glucose cho đến khi lượng đường trong máu đạt mức 70 mg/dL trở lên. Trong trường hợp đã lặp lại 3 lần mà tình trạng vẫn không được cải thiện, bệnh nhân cần đến bệnh viện ngay.
Tình trạng hạ đường huyết nghiêm trọng có thể gây ra các triệu chứng nặng như rối loạn khả năng tập trung, co giật, bất tỉnh và dẫn đến tử vong nếu không được xử lý kịp thời. Khi bệnh nhân bị bất tỉnh hay co giật do quá liều insulin, gia đình hoặc những người xung quanh cần gọi cấp cứu.
Cách ngăn ngừa quá liều insulin
Cách ngăn ngừa quá liều insulin là thận trọng khi sử dụng. Dưới đây là một số mẹo có thể giúp bệnh nhân tiểu đường hạn chế tình trạng này:
Đọc kỹ bao bì:
Việc đọc sai nhãn trên lọ đựng hoặc ống tiêm insulin có thể dẫn đến quá liều, nhất là khi người bệnh tiểu đường vừa chuyển sang dùng một loại insulin mới. Bệnh nhân cần phải hiểu rõ về liều lượng, cách dùng và các thông tin liên quan trước khi sử dụng bất kỳ sản phẩm nào. Nếu có thắc mắc, người bệnh cần hỏi bác sĩ hoặc dược sĩ.
Sử dụng đúng loại insulin:
Vô tình dùng insulin tác dụng nhanh thay vì loại insulin tác dụng bình thường hoặc chậm, kéo dài có thể gây quá liều. Nếu cần sử dụng nhiều loại insulin khác nhau, bệnh nhân tiểu đường nên dán thêm các nhãn màu để phân biệt, tránh tình trạng sử dụng nhầm gây quá liều.
Tập trung khi sử dụng:
Bệnh nhân tiểu đường cần tập trung tuyệt đối, không nên làm các việc khác như xem TV, nói chuyện điện thoại… khi tiêm insulin. Xao nhãng có thể khiến người bệnh quên rằng mình đã sử dụng thuốc và dùng thêm liều sau đó.
Ăn uống đầy đủ:
Các loại insulin tác dụng nhanh hoặc tác dụng ngắn được sử dụng ngay trước bữa ăn. Ăn sau khi tiêm có thể giúp cân bằng lượng đường trong máu. Nếu bỏ bữa, không ăn uống đầy đủ, insulin có thể khiến nồng độ đường huyết của bệnh nhân hạ xuống mức nguy hiểm, gây nên tình trạng quá liều insulin.
Ghi chép lại lượng carbohydrate và insulin sử dụng trong ngày:
Quá liều insulin đôi khi xảy ra do sai sót trong tính toán lượng carbohydrate tiêu thụ và lượng insulin sử dụng. Hiện nay, nhiều thiết bị và ứng dụng điện thoại có thể giúp bệnh nhân tiểu đường tính toán nhu cầu về carbohydrate và insulin cần thiết để giảm nguy cơ sai sót.
Tuyên bố miễn trừ trách nhiệm: Thông tin được cung cấp chỉ mang tính chất thông tin chung, thamtusg.com không đưa ra bất kỳ tuyên bố hoặc bảo đảm nào liên quan đến thông tin, bao gồm nhưng không giới hạn bất kỳ sự tuyên bố hoặc bảo đảm về tính thích hợp cho bất kỳ mục đích cụ thể nào của thông tin theo phạm vi cho phép tối đa của pháp luật. Mặc dù đã nỗ lực để đảm bảo rằng thông tin được cung cấp trong bài viết này là chính xác, đáng tin cậy và hoàn chỉnh vào thời điểm đăng tải, nhưng thông tin được cung cấp trong bài viết này không nên được dựa vào để đưa ra bất kỳ quyết định tài chính, đầu tư, bất động sản, giao dịch hoặc pháp lý nào. Thêm vào đó, thông tin không thể thay thế lời khuyên từ một chuyên gia được đào tạo, người mà có thể xem xét, đánh giá các sự kiện và hoàn cảnh cá nhân của bạn, và chúng tôi không chịu bất kỳ trách nhiệm nào nếu bạn sử dụng những thông tin này để đưa ra quyết định.