Thư viện và nhà hát Haskell là một tòa nhà có hai địa chỉ thuộc hai quốc gia khác nhau. Người Mỹ cho rằng tòa nhà nằm ở số 93, đại lộ Caswell, thị trấn Derby Line, bang Vermont. Trong khi với người Canada, tòa nhà có vị trí ở phố 1, đường Nhà thờ, thị trấn Stanstead, bang Quebec. Trên thực tế, cả hai địa chỉ này đều dẫn tới một tòa nhà. Điều khác biệt là bạn đứng trên quốc gia nào.
Thư viện Haskell nằm trên hai quốc gia, với những chậu hoa xếp làm dải phân cách. Ảnh: Flickr. |
Công trình này là món quà của ông Carlos Haskell người Mỹ và vợ là Martha Steward Haskell người Canada tặng cho cư dân của cả hai nước. Cặp vợ chồng đã chủ ý chọn biên giới để xây dựng tòa nhà bởi nó giúp cả người Canada và người Mỹ đều có quyền bình đẳng.
Haskell mở cửa vào tháng 6/1904. Hiện thư viện chỉ có một lối vào duy nhất ở phía Mỹ nhưng người Canada được phép tự do đi vào. Họ được sử dụng thư viện miễn là quay trở lại phía Canada sau khi xong việc. Tòa nhà cũng có một lối ra khẩn cấp ở phía Canada nhưng đang bị đóng cửa.
Với một nửa tòa nhà xây dựng ở Derby Line, thị trấn của Mỹ và nửa kia ở Stanstead, thuộc về Canada, Haskell được xây hai tầng bằng đá với phong cách hoàng gia thời nữ hoàng Anne.
Bên trong tòa nhà có một đường màu đen dày chạy dọc trên sàn. Đây là đường vạch ra ranh giới giữa Canada và Mỹ. Trên tầng là nhà hát, đường này chạy chéo qua ghế ngồi, ngăn sân khấu và một nửa ghế về phía Canada, nửa số ghế còn lại thuộc Mỹ.
Trong thư viện phía dưới, khu vực cho trẻ em nằm bên Mỹ trong khi các loại sách khác và phòng đọc ở phía Canada. Do đó, Haskell còn được mệnh danh là “thư viện duy nhất ở Mỹ không có sách” và “nhà hát duy nhất ở Mỹ không có sân khấu”.
Vạch đen bên trong phòng đọc sách của thư viện. Ảnh: Flickr. |
Qua nhiều thập niên, thư viện đã trở thành trung tâm nơi người dân từ cả hai nước gặp và trao đổi với nhau. Đây là nơi duy nhất các thành viên trong một gia đình bị chia cắt bởi biên giới Canada – Mỹ có thể gặp nhau mà không phải vượt biên trái phép. Tòa nhà được cả hai quốc gia công nhận là di tích lịch sử bởi những giá trị di sản khác biệt như: nằm ở cả hai nước, có hai chức năng, tượng trưng cho ý thức cộng đồng và sự thiện chí.
Thư viện Haskell chỉ là một trong sáu tòa nhà nằm trên đường biên giới của hai nước tại khu vực. Derby Line và Stanstead chia sẻ nhiều thứ chung như đại lộ Canusa. Trong khi con đường này nằm ở Canada, các ngôi nhà phía nam thuộc về Mỹ. Vì vậy, nếu một cư dân Mỹ ở đây muốn ra đường Canusa có nghĩa là họ phải rời đất Mỹ. Trước đó, ở đây từng có một bưu điện, nơi được mệnh danh là bưu điện quốc tế duy nhất trên thế giới. Nó chỉ có một người quản lý nhưng có hai cửa ra vào, với hai quầy phục vụ và mỗi cửa dành cho khách mỗi quốc gia.
Đường biên (màu đỏ) chạy qua các con đường và tòa nhà của cả hai nước Mỹ và Canada. Ảnh: Amusing. |
Ngoài ra, Derby và Stanstead có cùng hệ thống nước. Nước uống được bơm từ giếng khoan ở Canada, chứa trong hồ chứa ở Mỹ và phân phối qua hệ thống do người Canada quản lý. Nước thải từ phía Mỹ sẽ được đi xuyên biên giới, sang phía láng giềng để xử lý.
Vân Phạm (Theo Amusingplanet)
Nguồn: vnexpress
Tuyên bố miễn trừ trách nhiệm: Thông tin được cung cấp chỉ mang tính chất thông tin chung, thamtusg.com không đưa ra bất kỳ tuyên bố hoặc bảo đảm nào liên quan đến thông tin, bao gồm nhưng không giới hạn bất kỳ sự tuyên bố hoặc bảo đảm về tính thích hợp cho bất kỳ mục đích cụ thể nào của thông tin theo phạm vi cho phép tối đa của pháp luật. Mặc dù đã nỗ lực để đảm bảo rằng thông tin được cung cấp trong bài viết này là chính xác, đáng tin cậy và hoàn chỉnh vào thời điểm đăng tải, nhưng thông tin được cung cấp trong bài viết này không nên được dựa vào để đưa ra bất kỳ quyết định tài chính, đầu tư, bất động sản, giao dịch hoặc pháp lý nào. Thêm vào đó, thông tin không thể thay thế lời khuyên từ một chuyên gia được đào tạo, người mà có thể xem xét, đánh giá các sự kiện và hoàn cảnh cá nhân của bạn, và chúng tôi không chịu bất kỳ trách nhiệm nào nếu bạn sử dụng những thông tin này để đưa ra quyết định.