Tôi nhớ toàn bộ thời thơ ấu và thanh niên của tôi ở Việt Nam vô cùng hiếm gặp xe ưu tiên nháy đèn hú còi trên đường. Bọn trẻ vẫn hàng ngày gân cổ cãi nhau không phân thắng bại, rằng nếu không tránh bị xe cứu thương nếu bị đâm thì họ có đền không. Nhưng trong thực tế chúng tôi chỉ họa hoằn mới thấy chúng đỗ trước cửa bệnh viện. Việc thấy chúng chạy trên đường rất hiếm và cá nhân tôi nhớ chưa từng thấy các xe này bật đèn hú còi ưu tiên. Cảnh sát hồi đó cũng “lặng lẽ” như vậy. Xe cảnh sát rất ít, phần lớn là xe U-oát và cũng hiếm khi thấy gắn đèn, còi ủ.
Có lẽ nhiều lần hơn là gặp xe chữa cháy hú còi trên đường, cỡ một hai lần một năm. Dù hồi đó đã học và thi lấy bằng xe máy, tôi láng máng rằng có điều luật nhường đường cho xe ưu tiên. Tôi không thể nhớ luật thời đó có cho phép xe ưu tiên đi ngược chiều hay không và nếu không nhường đường thì tôi có bị phạt không. Những điều luật đó (về xe ưu tiên) dường như khá xa vời và không thực tế.
Tôi có cảm tưởng chúng tôi lái xe máy giống như đi… xe đạp, chỉ lo nhìn về phía trước mà ít để ý đến các đường cắt và gần như bỏ quên phía sau. Người lái xe ít nhìn gương hậu và gương này chủ yếu để khỏi bị cảnh sát phạt. Chắc đó là tình hình chung vì tôi thường xuyên bị xe máy khác tạt đầu xe.
Tôi viết những điều trên để chỉ rằng, thế hệ từ trung niên như chúng tôi trở lên gần như không biết và quan tâm về các điều luật xe ưu tiên, không được luyện tập và có thói quen nhìn ra và nhường đường. Các kiến thức cơ bản không đến từ thực tế mà đến từ phim ảnh, ví dụ bộ phim Bạch Tuộc gây ấn tượng cho chúng tôi với hình ảnh những chiếc xe cảnh sát nháy đèn hú còi và chạy tít mù trên đường.
Việc đầu tiên khi định cư ở Australia là tôi học lấy bằng lái ôtô. Sách dạy có những điều khoản rõ ràng về nhường đường cho xe ưu tiên. Họ không trình bày dài dòng nhưng nhấn mạnh vài nơi trong sách. Không nhường có thể bị phạt tại chỗ gần 500 AUD (khoảng 8,5 triệu đồng). Cũng có nhiều câu hỏi thi về vấn đề này. Thầy dạy lái xe cũng luôn nhắc đi nhắc lại: khi thi (ở Australia thi lái là lái xe trên đường bình thường) gặp và không nhường xe ưu tiên bị tính là lỗi rất nặng, đánh trượt ngay.
Tất cả điều này khiến tôi cảm thấy căng thẳng và cũng như nhiều bạn ở đây, tôi lo rằng mình không có phản xạ nghe được tiếng còi ủ, không nhìn ra được đèn xe ưu tiên. Thói quen dỏng tai và thường xuyên kiểm tra đằng sau qua gương chiếu hậu bằt đầu có từ đó. Cũng chỉ cần một lần gặp trên đường thì tôi đã đủ tự tin nhận ra chúng. Dễ hơn nhiều tôi tưởng vì đèn chớp rất sáng và tiếng còi ủ có thể nghe rõ qua lớp cửa đóng kỹ, có thể nhận ra dễ dàng giữa các âm thanh trên đường.
Nghe, nhận ra và nhường đường cho xe ưu tiên đã trở thói quen, không gây căng thẳng ức chế, cho dù xe ưu tiên đến từ bất cứ hướng nào. Tôi nhớ, có lần tắc đường vào giờ cao điểm trên cao tốc, cả ba làn xe bò chậm chạp. Nếu muốn xin chuyển làn cũng phải chờ khá lâu, chờ xe làn kia di chuyển và chừa đủ khoảng trống. Một xe cứu thương hú còi đi đến làn xe của tôi. Tôi vội vàng trong lo lắng tìm chỗ di chuyển vào làn trong. Với sự ngạc nghiên lớn tôi thấy đã có chỗ trống sẵn có thể di chuyển vào được ngay. Hóa ra, các xe làn trong đã chủ động dãn cách thích hợp để các xe ở làn đường bên tôi nhập vào, đúng lúc xe cứu thương đến và chạy tiếp. Đến giờ tôi vẫn không hiểu làm sao toàn bộ xe của cả một làn đầy ứ lại nhanh chóng nhập sang được làn khác cũng đang đầy ứ kia – như một phép màu.
Nhiều lần quan sát xe ưu tiên tôi thấy họ rất chuyên nghiệp và cũng rất ý thức về việc mình làm. Trước tiên họ rất có ý thức về còi hú, nếu họ thấy đường thông thoáng họ chỉ để còi tiếng nhỏ, thậm chí tắt hẳn. Thỉnh thoảng xe cấp cứu vào phố nhà tôi đón bệnh nhân, đèn nháy sáng rực cả khu phố nhưng không có tiếng động nào phá vỡ yên tĩnh buổi đêm. Khi đến chỗ cần nhường đường, đi trái chiều hoặc vượt đèn đỏ họ mới hú còi to hết cỡ. Nhưng nếu lúc đó còi hú không giúp gì được họ cũng tắt và chờ, ví dụ khi xe họ chạy đến một đám đông xe đỗ chờ đèn đỏ, có hú còi người ta cũng không có chỗ trống để tránh ra.
Tôi thấy khá buồn lòng khi xem video clip một người lái xe cứu thương ở Việt Nam đến chỗ tắc đường đã nhảy xuống đánh người nhắc tắt còi. Lái xe này hành xử vừa phạm luật vừa thiếu chuyên nghiệp và có vẻ bị ức chế vì áp lực công việc. Tất cả đều cần sự hiểu biết và thông cảm lẫn nhau.
Ở Australia xe ưu tiên gần như được làm mọi thứ khi bật đèn ưu tiên, từ leo lên vỉa hè, băng qua dải phân cách, cho đến chạy ngược chiều và vượt đèn đỏ. Tôi quan sát họ lái rất nghề và rất thận trọng, không lạm quyền ưu tiên nếu không cần thiết. Họ sẽ không vượt sang đường ngược chiều nếu họ còn tiếp tục đi được. Khi phải vượt đèn đỏ hoặc chạy ngược chiều họ đi rất chậm, chờ và giữ khoảng cách lớn. Họ chỉ chạy tiếp khi đảm bảo các xe khác đều thấy họ và dừng chờ.
Có lần ở một ngã tư tôi có đèn xanh chuẩn bị đi thì một chiếc xe cứu hoả hú còi chạy cắt ngang. Đến đầu ngã tư nó phanh chậm lại và thận trọng tiến từng bước khi các xe cùng chiều với tôi lần lượt dừng. Việc thận trọng không thừa vì có một cái xe làn cạnh tôi cứ thế chạy tiếp. Xe cứu hoả phanh kịp thời, xe kia an toàn vọt qua. Tôi vẫn nhớ rõ gương mặt người lái xe cứu hoả lúc đó, anh ta nhăn mặt khó chịu và giơ một ngón tay lúc lắc đe doạ trước khi chạy tiếp. Có lẽ chiếc xe này sẽ bị phạt nguội sau này.
Ở Australia xe ưu tiên chạy khá thường xuyên. Chủ yếu là xe cứu thương, ít hơn là xe cứu hoả. Không giống như phim việc gặp xe cảnh sát hú còi lại khá hiếm dù rằng tôi thường xuyên gặp những xe này đi tuần tra. Xe ưu tiên chạy nhiều hình thành phản ứng thích hợp cho mọi người, ý thức của cả người lái xe ưu tiên và người dân đều tốt nên rất ít khi tôi nghe tin tai nạn chết người của loại xe này.
Tôi nhớ lần duy
nhất đọc tin tai nạn nghiêm trọng của xe cứu thương xẩy ra cách đây nhiều năm. Chiếc xe bị lật vì nổ lốp, mà lốp này nhập từ Trung Quốc. Người ta quyết định phải thay hàng loạt loại lốp tốt hơn cho xe ưu tiên.
Cuối cùng, có lẽ tai nạn xe cứu hoả chạy ngược đường cao tốc (gần đây ở Việt Nam) có thể tránh được hoặc giảm nhẹ thiệt hại nếu người lái xe cứu hoả cũng thận trọng và tiến chậm từng bước khi đi ngược chiều (đất không chịu trời thì trời chịu đất) và người lái xe khách cũng biết rằng xe ưu tiên có thể bất chợt cắt đường và có phản xạ thích hợp khi nhận ra tiếng còi hú, ánh đèn từ xa.
Độc giả Hồng Nguyên
Nguồn: vnexpress
Tuyên bố miễn trừ trách nhiệm: Thông tin được cung cấp chỉ mang tính chất thông tin chung, thamtusg.com không đưa ra bất kỳ tuyên bố hoặc bảo đảm nào liên quan đến thông tin, bao gồm nhưng không giới hạn bất kỳ sự tuyên bố hoặc bảo đảm về tính thích hợp cho bất kỳ mục đích cụ thể nào của thông tin theo phạm vi cho phép tối đa của pháp luật. Mặc dù đã nỗ lực để đảm bảo rằng thông tin được cung cấp trong bài viết này là chính xác, đáng tin cậy và hoàn chỉnh vào thời điểm đăng tải, nhưng thông tin được cung cấp trong bài viết này không nên được dựa vào để đưa ra bất kỳ quyết định tài chính, đầu tư, bất động sản, giao dịch hoặc pháp lý nào. Thêm vào đó, thông tin không thể thay thế lời khuyên từ một chuyên gia được đào tạo, người mà có thể xem xét, đánh giá các sự kiện và hoàn cảnh cá nhân của bạn, và chúng tôi không chịu bất kỳ trách nhiệm nào nếu bạn sử dụng những thông tin này để đưa ra quyết định.