Hiện nay, việc kết nối vật lý (có dây) cho dàn âm thanh cao cấp vẫn rất phổ biến. Tuy nhiên, gần đây dân chơi âm thanh bắt đầu để ý và chuyển sang các hệ thống âm thanh không dây thuận tiện trong lắp đặt và điều khiển, cũng như giảm chi phí về dây dẫn vốn khá đắt đỏ để trải nghiệm nghe nhạc thoải mái và dễ dàng hơn.
Dàn âm thanh với kết nối không dây dùng để xem phim kết hợp nghe nhạc. |
Anh Nguyễn Phúc (quận Bình Thạnh, TP HCM) cho hay việc lựa chọn hệ thống âm thanh không dây là để quản lý các thiết bị tốt hơn mà không cần phải dùng nhiều dây dẫn vốn bị “đội” thêm chi phí và mất tính thẩm mỹ cho căn nhà. “Nhà của tôi chỉ khoảng 50 mét vuông và hai tầng, nếu sử dụng dây dẫn sẽ rất xấu không gian. Trong khi đó, nếu dùng các thiết bị không dây để kết nối sẽ khắc phục được nhược điểm đó”, anh Phúc cho biết. Đồng tình với anh Phúc, anh Vũ Huy (quận 1, TP HCM) cũng cho rằng sử dụng hệ thống âm thanh không dây giúp tối giản các kết nối, giảm công sức phối ghép cũng như tiện dụng hơn khi có thể ngồi một chỗ điều khiển bằng smartphone.
Ông Nguyễn An Tim, đại diện hệ thống phân phối thiết bị âm thanh Anh Duy Audio cho biết, một hệ thống âm thanh đa phòng thường có kết cấu không quá phức tạp. Nó gồm những thiết bị nhận và phát, có thể kết nối với nhau qua ngõ Wi-Fi. Tùy theo không gian và số phòng mà số lượng thiết bị không dây nhiều hay ít. Điểm đặc biệt của thiết bị này là có thể vừa nhận tín hiệu và làm một loa phát hoặc chỉ kết nối và xuất tín hiệu vào các bộ dàn có sẵn tạo thành những vùng âm thanh riêng biệt. Tất cả được kết nối thông qua những thao tác đơn giản với ứng dụng trên smartphone. Từ đây, người dùng có thể điều khiển phát nhạc hoặc tắt nhạc trong phòng ngủ, phòng khách, nhà bếp… hoặc kết hợp mở nhạc cùng lúc các không gian trên.
Bên cạnh nhạc, người dùng cũng có thể điều khiển máy chiếu phim hoặc xem video ca nhạc. Nguồn nhạc và video cũng khá đa dạng, từ nội dung có sẵn trong ổ cứng, điện thoại, máy tính bảng, máy tính, ổ NAS, USB… cho đến các kho trực tuyến như Spotify, Tidal, Deezer, Neiflix…
Ông Tim cho biết một hệ thống âm thanh đa phòng sử dụng kết nối không dây cao cấp có chi phí khoảng vài chục đến 200 triệu đồng. Chẳng hạn, hệ thống của Denon Heos khoảng trên dưới 100 triệu đồng, gồm bốn loa phát nhạc, ampli receiver xem phim và nghe nhạc, một soundbar, đầu kết nối… Bên cạnh đó, để tăng khả năng trải nghiệm, người dùng có thể đầu tư thêm các dàn âm thanh cao cấp có kết nối vật lý đặt ở các phòng riêng biệt, như phòng xem phim, phòng nghe nhạc… Chúng cũng được điều khiển thông qua thiết bị kết nối không dây và nguồn phát linh động từ đầu đĩa đến các dịch vụ trực tuyến.
Hệ thống được kết nối và điều khiển thông qua smartphone. |
Nhiều hãng âm thanh trên thị trường đã nhảy vào lĩnh vực âm thanh đa phòng điều khiển bằng thiết bị di động, như Denon với Heos, Klipsch với Play Fi, Yamaha với MusicCast… cả Bose, Sonos, Bluesound cũng bước chân vào lĩnh vực này.
Tuy nhiên, theo anh Phúc Nguyên, một dân chơi âm thanh hi-end tại Hà Nội, sử dụng hệ thống âm thanh đa phòng không phải là không có nhược điểm. “Việc kết nối không dây hiện tại vẫn khiến chất lượng âm thanh dừng ở mức nhất định, do tín hiệu đã được xử lý dưới dạng kỹ thuật số thay vì analog. Đó là chưa kể người chơi gặp một số trở ngại do vấn đề mạng và dữ liệu truyền tải không phải lúc nào cũng đảm bảo chất lượng”, anh Nguyên cho biết.
Cũng chính vì vậy, anh Nguyên cho rằng người chơi nên sử dụng âm thanh không dây đa phòng như là giải pháp kết hợp song song với các dàn âm thanh hi-end vì bản thân nó chưa thể đủ sức thay thế cách truyền thống. Dù vậy, với các ưu điểm đã có, anh dự đoán giải pháp này sẽ xuất hiện nhiều hơn trong thời gian tới, chủ yếu cho nhu cầu phổ thông.
Bảo Lâm
Nguồn: vnexpress
Tuyên bố miễn trừ trách nhiệm: Thông tin được cung cấp chỉ mang tính chất thông tin chung, thamtusg.com không đưa ra bất kỳ tuyên bố hoặc bảo đảm nào liên quan đến thông tin, bao gồm nhưng không giới hạn bất kỳ sự tuyên bố hoặc bảo đảm về tính thích hợp cho bất kỳ mục đích cụ thể nào của thông tin theo phạm vi cho phép tối đa của pháp luật. Mặc dù đã nỗ lực để đảm bảo rằng thông tin được cung cấp trong bài viết này là chính xác, đáng tin cậy và hoàn chỉnh vào thời điểm đăng tải, nhưng thông tin được cung cấp trong bài viết này không nên được dựa vào để đưa ra bất kỳ quyết định tài chính, đầu tư, bất động sản, giao dịch hoặc pháp lý nào. Thêm vào đó, thông tin không thể thay thế lời khuyên từ một chuyên gia được đào tạo, người mà có thể xem xét, đánh giá các sự kiện và hoàn cảnh cá nhân của bạn, và chúng tôi không chịu bất kỳ trách nhiệm nào nếu bạn sử dụng những thông tin này để đưa ra quyết định.