|
Một góc Cụm công nghiệp tập trung Phú Hữu A – Giai đoạn 3, thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang
|
Ngày 28/3, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Nguyễn Văn Hòa đã ký Quyết định số 619/QĐ-UBND Phê duyệt Phương án phát triển cụm công nghiệp tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Mục tiêu tỉnh Hậu Giang đề ra là trong giai đoạn 2021 – 2025, có tổng số 10 cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn tỉnh, với tổng số diện tích 548,05 ha. Cơ bản hoàn thành đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật đạt 50% theo quy hoạch đối với các CCN mới thành lập, đạt 100% đối với các CCN hiện hữu. Phấn đấu thu hút đầu tư để đạt tỷ lệ lấp đầy trên 80% diện tích CCN.
Đóng góp của các CCN vào tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021 – 2025 là 12,95%/năm, đến năm 2025 quy mô đạt trên 4.000 tỷ đồng; cơ cấu lao động trong khu vực CCN chiếm 15,93% trong tổng số lao động công nghiệp trên địa bàn tỉnh; giải quyết việc làm cho hơn 10.000 lao động.
Giai đoạn từ 2026 – 2030, giữ nguyên và tiếp tục đầu tư đồng bộ, hoàn thiện đầu tư hạ tầng kỹ thuật 10 CCN giai đoạn 2021-2025; mở rộng CCN Vị Bình thêm 21 ha, với tổng số diện tích đất CCN trên địa bàn tỉnh là 569,05 ha. Tăng cường thu hút doanh nghiệp đầu tư vào CCN, phấn đấu tỷ lệ lấp đầy đạt 100% diện tích đất CCN.
Đưa tỷ lệ đóng góp của các CCN vào tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trong các ngành chế biến, chế tạo đạt tối thiểu 45%; tỷ lệ lao động trong lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ đạt trên 70%; giải quyết việc làm cho hơn 15.000 lao động.
Định hướng phát triển đến 2050, phát triển thêm 5 CCN, nâng tổng số CCN trên địa bàn tỉnh là 15 CCN, với tổng số diện tích 907,63 ha.
Các CCN định hướng phát triển mới gồm: CCN Hỏa Lựu 1 (57,98 ha); CCN Hỏa Lựu 2 (55,60 ha), tại xã Hỏa Lựu, TP. Vị Thanh; CCN Vị Bình 2 (75 ha), tại xã Vị Bình, huyện Vị Thủy; CCN Lương Tâm 1 (75 ha), xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ; CCN Lương Tâm 2 (75 ha), xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ.
Định hướng lĩnh vực, ngành nghề thu hút đầu tư vào các CCN là ưu tiên thu hút các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, các ngành sản xuất sạch, ít gây ô nhiễm môi trường như: cơ khí chế tạo, cơ khí lắp ráp; thiết bị điện, điện tử; dệt may và sản xuất nguyên phụ liệu, giày dép; chế biến nông sản thực phẩm và hàng tiêu dùng; thiết bị dụng cụ y tế; xử lý chất thải; công nghiệp hỗ trợ và dịch vụ phục vụ sản xuất công nghiệp.
Nhu cầu vốn đầu tư phát triển CCN trên địa bàn tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 ước tính 10.021,14 tỷ đồng, gồm: Chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 4.182,06 tỷ đồng; vốn đầu tư hạ tầng kỹ thuật CCN là 5.818,39 tỷ đồng; vốn lập quy hoạch chi tiết các CCN là 20,14 tỷ đồng.
Trong đó, giai đoạn 2021 – 2025, dự kiến nhu cầu vốn đầu tư CCN là 3.922,86 tỷ đồng; giai đoạn 2026 – 2030 là 892,16 tỷ đồng; giai đoạn 2031 – 2050 là 4.928,37 tỷ đồng.
Theo UBND tỉnh Hậu Giang, tính đến năm 2020, tỉnh Hậu Giang có 10 CCN, trong đó có 6 CCN do UBND huyện, thị xã, thành phố quản lý, quy mô 323,94 ha, gồm: CCN – Tiểu thủ công nghiệp TP. Vị Thanh, CCN kho tàng bến bãi Tân Tiến, CCN – Tiểu thủ công nghiệp thị xã Long Mỹ, CCN – Tiểu thủ công nghiệp TP. Ngã Bảy, CCN Tân Thành, CCN Tân Phước Hưng và 4 CCN tập trung do Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hậu Giang quản lý, quy mô 410 ha gồm: CCN tập trung Đông Phú – giai đoạn 1, CCN tập trung Phú Hữu A – giai đoạn 1, CCN tập trung Phú Hữu A – giai đoạn 3, CCN tập trung Nhơn Nghĩa A.
Các CCN đã thu hút được 51 dự án đầu tư sản xuất kinh doanh với tổng vốn đăng ký là 16.887 tỷ đồng, thu hút 8.800 lao động, tỷ lệ lấp đầy bình quân tại CCN là 52,17%; với ngành nghề chủ yếu chế biến lương thực, chế biến thực phẩm, may mặc, giày da, vật liệu xây dựng…