PhápKhi phát hiện mình mắc bệnh hiểm nghèo, ước mong tìm lại người mẹ sinh ra mình trỗi dậy trong Solène Martel vì cô biết “nếu không bây giờ hoặc sẽ không bao giờ”.
Solène Martel có tên khai sinh là Trần Thị Thanh Xuân, sinh ngày 27/8/1998 tại trạm y tế xã Phúc Xuân, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên. Cô được một gia đình người Pháp nhận nuôi từ bốn tháng tuổi.
Những năm qua, cô nhiều lần nghĩ đến việc tìm lại mẹ đẻ, nhưng gần đây, hành trình đó mới thực sự bắt đầu kể từ khi phát hiện mắc hội chứng Cushing do vấn đề ở tuyến thượng thận.
Hè năm ngoái, Solène sống ở thành phố Amiens (cách Paris khoảng 140 km) phải trải qua ca phẫu thuật, sau đó duy trì dùng hormone 6-18 tháng. Từ khi mắc căn bệnh di truyền một triệu người mới gặp 1-2 người, cân nặng của Solène tăng không kiểm soát. Cảm giác tủi thân đeo bám cô suốt hành trình điều trị dù bên cạnh luôn có sự động viên chăm sóc của cha mẹ nuôi cũng như chị gái.
“Những lúc nằm trên giường bệnh, tôi chỉ muốn biết mẹ đẻ mình là ai. Bà còn sống và có mắc bệnh giống tôi không?”, cô trăn trở.
Từ lúc nhận thức được, Solène biết mình không phải con đẻ của bố mẹ, nhưng đến khi vào tiểu học, cô mới biết thân thế thực sự. “Mẹ nuôi đựng tất cả giấy tờ của tôi trong một chiếc hộp, cất rất kỹ. Khi tôi biết đọc, bà cho xem và nói mỗi đứa trẻ sinh ra đều có quyền biết về nguồn cội”. Từ khi mở hộp, cô mới biết mình không chỉ có mỗi tên Solène Martel.
Gia đình của Solène còn có một chị gái, cũng là con nuôi người Việt Nam. Mười tám năm sống cạnh bố mẹ trước khi ra ở riêng, cô gái gốc Việt luôn cảm nhận rõ tình yêu của cả hai dành cho mình. Cô cũng yêu quý họ nhưng tất cả yêu thương đó vẫn chưa đủ lấp đầy khoảng trống trong tâm hồn.
Được sự ủng hộ của mẹ nuôi, gần đây Solène bắt đầu chia sẻ mọi thông tin và hình ảnh mình có lên Facebook với hy vọng những người ruột thịt sẽ nhìn thấy và nhận ra. Cô cũng xăm lên mỗi tay hai chữ “Thanh Xuân” để nhắc nhở bản thân phải tìm về nguồn cội.
Theo giấy tờ Solène có được, cô lọt lòng lúc lúc 23h30 ngày 27/8/1998, 5 tiếng sau người mẹ bỏ đi. Theo giấy tờ của cơ sở y tế, mẹ đẻ cô khai tên Trần Thị Hảo, sống tại xã Thịnh Đán (nay là xã Quyết Thắng, TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên). Sau khi sản phụ rời khỏi trạm y tế, các y bác sĩ đã nhờ công an vào cuộc nhưng về xã tìm không ai tên giống vậy. Đứa trẻ sau đó được một bảo mẫu nuôi dưỡng, trước khi sang Pháp theo diện con nuôi.
Bà Veronique Deremaux, mẹ nuôi Solène từng đưa cô về Việt Nam năm 2004 với mong muốn tìm lại mẹ đẻ nhưng không có kết quả. Năm 2019, lần thứ hai, cô gái này trở lại quê hương trong chuyến du lịch xuyên Á cùng bạn bè kéo dài sáu tháng. Chuyến đi lần này đủ để cô hiểu về nguồn cội, gốc gác tóc đen da vàng của mình.
“Vừa đặt chân xuống Việt Nam, cảm xúc trong tôi bỗng trào dâng mãnh liệt”, Solène nói. “Khi đó tôi bắt đầu nghĩ về mẹ đẻ và rất muốn tìm lại ruột thịt của mình”.
Một tháng trước, Solène đăng thông tin tìm kiếm lên nhóm người Việt tại Pháp. Ở đây cô gặp nhiều người cùng hoàn cảnh, họ mách cô đăng lên những hội nhóm nhiều người theo dõi ở Việt Nam. Tại đây, Solène gặp Nathalie Bui – một người Việt sống tại Pháp – tình nguyện hỗ trợ phiên dịch bởi cô không biết tiếng Việt. Nhờ sự giúp đỡ của nhiều người dùng mạng, cả hai tìm được bảo mẫu năm xưa cũng như những y tá ở trạm y tế xã Phúc Xuân nhưng không ai biết tung tích người mẹ tên Hảo.
Chưa tìm thấy mẹ nhưng thứ cô gái Pháp nhận được là sự chung tay giúp đỡ của những người Việt biết tới câu chuyện. Cô không ngờ lại nhận được nhiều chia sẻ và đồng cảm tới vậy.
“Ngày nào cũng có người nhắn tin hỏi thăm, chúc tôi mau tìm thấy mẹ. Dù vẫn phải dùng công cụ dịch, nhưng từ sâu trái tim tôi vẫn hiểu được sự ấm áp nghĩa tình đồng bào”, cô gái 24 tuổi nói.
Nhiều năm trước, Solène tốt nghiệp đại học ngành quản trị nhân lực, sau đó làm nhân viên văn phòng. Hiện nay, do điều trị nên cô tạm nghỉ việc, ở nhà dưỡng bệnh. Hàng ngày, cô vẫn theo dõi những thông báo tìm mẹ đã đăng trước đó, hy vọng tìm được chút manh mối.
Kế hoạch của Solène là một thời gian nữa khi bệnh tình ổn định sẽ trở lại Việt Nam, đến đúng địa điểm ghi trên giấy khai sinh tìm lại mẹ ruột. Để có thể ở lại lâu dài, cô đã xin nhập quốc tịch Việt Nam.
Từ khi đăng thông tin tìm mẹ, Solène hay mơ về bà. Trong giấc mơ, cô thấy mẹ hát ru, vỗ về mình nhưng chưa khi nào thấy rõ mặ
t.
“Tôi hy vọng mình giống mẹ, nếu như bà nhìn thấy tôi trên các trang tìm kiếm, vẫn có thể nhận ra”. Solène chia sẻ, cô đang tự học tiếng Việt, để ngày gặp mẹ, con gái có thể gọi được rõ ràng hai tiếng “Mẹ ơi”.
Hải Hiền
Tuyên bố miễn trừ trách nhiệm: Thông tin được cung cấp chỉ mang tính chất thông tin chung, thamtusg.com không đưa ra bất kỳ tuyên bố hoặc bảo đảm nào liên quan đến thông tin, bao gồm nhưng không giới hạn bất kỳ sự tuyên bố hoặc bảo đảm về tính thích hợp cho bất kỳ mục đích cụ thể nào của thông tin theo phạm vi cho phép tối đa của pháp luật. Mặc dù đã nỗ lực để đảm bảo rằng thông tin được cung cấp trong bài viết này là chính xác, đáng tin cậy và hoàn chỉnh vào thời điểm đăng tải, nhưng thông tin được cung cấp trong bài viết này không nên được dựa vào để đưa ra bất kỳ quyết định tài chính, đầu tư, bất động sản, giao dịch hoặc pháp lý nào. Thêm vào đó, thông tin không thể thay thế lời khuyên từ một chuyên gia được đào tạo, người mà có thể xem xét, đánh giá các sự kiện và hoàn cảnh cá nhân của bạn, và chúng tôi không chịu bất kỳ trách nhiệm nào nếu bạn sử dụng những thông tin này để đưa ra quyết định.