Thiết bị điện tử ở chế độ chờ giống như vòi nước bị rò rỉ, ngay cả khi không hoạt động vẫn gây lãng phí mà bạn nên cố gắng giảm thiểu.
Mùa hè đang đến, chi phí dùng điện tăng cao có thể trở thành nỗi trăn trở của không ít gia đình. Có rất nhiều thay đổi nhỏ bạn có thể thực hiện giúp tiết kiệm điện và một trong số này là lưu ý đến chế độ chờ.
Khi ở chế độ chờ, thiết bị không thực sự tắt mà chuyển sang chế độ tiết kiệm năng lượng. Điều này cho phép chúng ta bật lại nhanh chóng khi cần.
Có những thiết bị sử dụng chế độ chờ thụ động, như điều hòa, lò nướng… tức vẫn cắm điện nhưng không tiêu thụ điện. Song có những thiết bị sử dụng chế độ chờ chủ động, nghĩa là vẫn tiêu thụ điện khi không dùng. Thống kê cho thấy, chế độ chờ chủ động có thể tốn điện gấp 5 đến 10 lần so với chế độ chờ thụ động.
Chuyên gia Natalia Lachim (Anh), nói rằng nếu chúng ta cắm một thiết bị, ngay cả khi không sử dụng thì dòng điện vẫn chạy qua và tiêu hao điện năng. “Để giảm số điện, chỉ cần tắt nguồn là dòng điện không thể chạy qua”, Natalia Lachim nói.
Dưới đây là các thiết bị “ăn” nhiều điện nhất khi ở chế độ chờ.
Tủ lạnh/tủ đông
“Vì tủ lạnh/ tủ đông cần được bật liên tục, nên không có gì ngạc nhiên khi nó chiếm hơn 12% tiêu thụ điện năng của gia đình”, Natalia cho biết.
Rõ ràng chúng ta không thể tắt tủ lạnh khi không sử dụng, nhưng Natalia cho biết có nhiều cách đảm bảo bạn chỉ phải trả mức tối thiểu cho tủ lạnh. Thường xuyên làm sạch tủ lạnh, cả bên ngoài và bên trong là cách đơn giản nhất để tiết kiệm điện. “Khi bạn vứt bỏ các thực phẩm quá hạn, tủ sẽ không cần phải làm việc để giữ mát hoặc đông lạnh nó, do đó tiết kiệm điện”, cô nói.
Ti vi
Một nghiên cứu năm 2021 cho thấy 98% hộ gia đình ở Anh thừa nhận luôn để TV ở chế độ chờ, mà không biết có thể tốn thêm không ít tiền vào hóa đơn điện.
Cách tốt nhất ngăn điều này là rút phích cắm. Việc này sẽ không làm hỏng TV, nhưng nhiều trường hợp bỏ lỡ cập nhật phần mềm, khiến TV hoạt động chậm hơn. Nếu bạn không muốn vậy thì hãy kích hoạt chế độ “tiết kiệm năng lượng” trên điều khiển.
Máy chơi game
Máy chơi game có xu hướng được bật và cắm nhiều như TV, song thường bị bỏ qua. Chỉ cần đảm bảo nó được tắt hoàn toàn thì đã tiết kiệm một con số không nhỏ, bởi một máy chơi game thông thường ở chế độ chờ sử dụng 5,4 W, nhiều gấp đôi TV.
Ấm đun nước
Mặc dù ấm đun nước không phải là thủ phạm tồi tệ nhất cho việc tiêu hao năng lượng, nó vẫn sẽ thêm một số tiền không cần thiết vào hóa đơn. Vì vậy tốt nhất nên rút khỏi nguồn điện khi đã đun xong.
“Để một ấm đun nước trung bình được cắm và bật khi không sử dụng sẽ tiêu tốn khoảng 30 bảng vào hóa đơn hàng năm của bạn”, Natalia nói.
Bộ sạc
Tất cả chúng ta đều có lỗi khi không rút sạc sau khi sử dụng. Mặc dù tiêu thụ không nhiều nhưng vẫn làm tăng khoảng 20 bảng cho hóa đơn hàng năm của bạn.
Bảo Nhiên (Theo Metro)
Tuyên bố miễn trừ trách nhiệm: Thông tin được cung cấp chỉ mang tính chất thông tin chung, thamtusg.com không đưa ra bất kỳ tuyên bố hoặc bảo đảm nào liên quan đến thông tin, bao gồm nhưng không giới hạn bất kỳ sự tuyên bố hoặc bảo đảm về tính thích hợp cho bất kỳ mục đích cụ thể nào của thông tin theo phạm vi cho phép tối đa của pháp luật. Mặc dù đã nỗ lực để đảm bảo rằng thông tin được cung cấp trong bài viết này là chính xác, đáng tin cậy và hoàn chỉnh vào thời điểm đăng tải, nhưng thông tin được cung cấp trong bài viết này không nên được dựa vào để đưa ra bất kỳ quyết định tài chính, đầu tư, bất động sản, giao dịch hoặc pháp lý nào. Thêm vào đó, thông tin không thể thay thế lời khuyên từ một chuyên gia được đào tạo, người mà có thể xem xét, đánh giá các sự kiện và hoàn cảnh cá nhân của bạn, và chúng tôi không chịu bất kỳ trách nhiệm nào nếu bạn sử dụng những thông tin này để đưa ra quyết định.