VHO – Tưởng niệm người họa sĩ tài ba Hồ Hữu Thủ (1940-2024), Ngôi nhà nghệ thuật SANN, các nhà sưu tập cùng gia đình họa sĩ tổ chức trưng bày bộ tranh từ năm 1980 đến tác phẩm dang dở sau cùng trước khi mất của ông, tại Nhà Trưng bày triển lãm Thành phố – Bảo tàng TP.HCM.
Thay mặt Ngôi nhà nghệ thuật SANN cho biết, đây là trưng bày đầy đủ nhất các tác phẩm của họa sĩ Hồ Hữu Thủ từ trước đến nay, có cả những tác phẩm phác thảo gần như đầu tiên vào năm 1980.
Trưng bày tưởng niệm họa sĩ Hồ Hữu Thủ có chủ đề “Từ bộ sưu tập năm 1980 tới tác phẩm cuối cùng”, giới thiệu 50 tác phẩm từ sơn mài khổ lớn nhất đến bộ tranh phác thảo chưa được sáng tác.
Trong đó, có 30 phác thảo chưa được sáng tác thành tranh, trong 4 thập niên từ thời đoạn 1980, với các chất liệu: sơn dầu trên giấy, sơn dầu trên bố và sơn mài kinh điển với những bộ tranh khổ lớn nhất của họa sĩ đến trên 7,2m.
Tiếp theo đó, có những tác phẩm đang vẽ dở dang khi họa sĩ ra đi chưa kịp hoàn thành cũng được gia đình trưng bày lần này.
Đặc thù nhất là bộ tranh người yêu nghệ thuật tưởng niệm người họa sĩ thế hệ đầu của Trường Mỹ thuật Sài Gòn Gia Định qua giá vẽ và không gian vẽ của ông được tái dựng trong không gian trưng bày tại nhà Trưng bày triển lãm Thành phố.
Họa sĩ Hồ Hồng Lĩnh – con trai họa sĩ Hồ Hữu Thủ, cho biết cha anh vẽ khoảng 5.000 bức tranh với nhiều kích thước. Phần lớn tranh được các nhà sưu tập lưu giữ.
Họa sĩ Hồ Hồng Lĩnh nhắc mạnh: “Cha tôi thích vẽ thiếu nữ, ngựa, chim, sen, trăng, cây đàn. Ông vẽ theo trường phái lãng mạn siêu thực đậm chất thơ. Vậy nên nhiều bạn bè của ông là nhà thơ thích lấy tranh để minh họa cho các tập thơ như nhà thơ Nguyễn Duy Thức, Trần Tuấn Kiệt…
Tranh của cha tôi không bị phụ thuộc vào ánh sáng thực, ông muốn cho sáng chỗ nào thì chỗ đó sáng. Cũng vì không bị định kiến về quy luật ánh sáng lại là điểm mạnh của ông”.
Tính đến thời điểm mất, họa sĩ Hồ Hữu Thủ có hơn 60 năm tận tuỵ với nghề.
Một điều đặc trưng là ông chưa bao giờ vẽ buổi tối, ông ngưng vẽ khi mặt trời xuống. Con trai họa sĩ Hồ Hữu Thủ nói vui rằng ông như một công chức, sáng vẽ từ 8h30 đến 11h; chiều vẽ từ 14h đến 16h. Chỉ có những khi ông thấy mệt trong người thì tạm ngưng vẽ.
Trưng bày tưởng niệm họa sĩ Hồ Hữu Thủ với chủ đề “Từ bộ sưu tập năm 1980 tới tác phẩm cuối cùng”, tại Nhà Trưng bày triển lãm Thành phố (Số 92 Lê Thánh Tôn, Quận 1, TP.HCM), diễn ra từ ngày 27.10 đến ngày 5.11.2024.
Họa sĩ Hồ Hữu Thủ sinh năm 1940, tại Thủ Dầu Một (Bình Dương). Ông lập nghiệp và tạo nên danh tiếng tại TP.HCM. Ông từng tốt nghiệp Trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn, sau đó ông giảng dạy Mỹ thuật Sài Gòn.
Sau năm 1975, ông là hội viên Hội Mỹ thuật TP.HCM và Hội Mỹ thuật Việt Nam. Ông là họa sĩ tạo ra phong cách vẽ tranh sơn mài mới, được gọi là “sơn ta Việt Nam. Ông qua đời ngày 9.9.2024, thọ 84 tuổi.
Tuyên bố miễn trừ trách nhiệm: Thông tin được cung cấp chỉ mang tính chất thông tin chung, thamtusg.com không đưa ra bất kỳ tuyên bố hoặc bảo đảm nào liên quan đến thông tin, bao gồm nhưng không giới hạn bất kỳ sự tuyên bố hoặc bảo đảm về tính thích hợp cho bất kỳ mục đích cụ thể nào của thông tin theo phạm vi cho phép tối đa của pháp luật. Mặc dù đã nỗ lực để đảm bảo rằng thông tin được cung cấp trong bài viết này là chính xác, đáng tin cậy và hoàn chỉnh vào thời điểm đăng tải, nhưng thông tin được cung cấp trong bài viết này không nên được dựa vào để đưa ra bất kỳ quyết định tài chính, đầu tư, bất động sản, giao dịch hoặc pháp lý nào. Thêm vào đó, thông tin không thể thay thế lời khuyên từ một chuyên gia được đào tạo, người mà có thể xem xét, đánh giá các sự kiện và hoàn cảnh cá nhân của bạn, và chúng tôi không chịu bất kỳ trách nhiệm nào nếu bạn sử dụng những thông tin này để đưa ra quyết định.